Hơn 16.000 xe ôtô phải lắp “hộp đen” trước 1-7-2011

Hơn 16.000 xe ôtô phải lắp “hộp đen” trước 1-7-2011
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa báo cáo bộ Giao thông vận tải (GTVT) về tình hình triển khai thực hiện việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) theo quy định tại nghị định số 91/2009/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo đơn vị này, cả nước hiện có 1.537 doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải với 16.203 phương tiện (8.828 xe khách và 7.375 xe tải ) thuộc diện phải lắp đặt “hộp đen” trước ngày 1-7-2011. Trong đó, có 335 doanh nghiệp, hợp tác xã có số lượng dưới năm đầu xe.

Số liệu từ 63 sở GTVT cho thấy có 84 doanh nghiệp, hợp tác xã đã lắp đặt 1.404 hộp đen trước thời hạn quy định, gồm 886 xe khách và 518 xe tải. 87% số doanh nghiệp, hợp tác xã đã có kế hoạch lắp đặt, nhiều đơn vị đã ký hợp đồng nguyên tắc với nhà cung cấp.

Theo tổng cục Đường bộ, khó khăn nhất trong việc thực hiện quy định này là chi phí lắp đặt và chi phí duy trì hoạt động của trung tâm điều hành thiết bị này khá lớn trong khi giá cước vận tải thấp. Vì vậy cho nên các doanh nghiệp, hợp tác xã có dưới năm xe chưa dám lắp hộp đen.

Bên cạnh đó, số doanh nghiệp, hợp tác xã đã lắp đặt hộp đen hiện băn khoăn về tính hợp chuẩn của chúng khi đối chiếu với các theo quy định của thông tư số 08/2011/TT-BGTVT về việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình của xe ôtô.

Trong cuộc họp giữa các doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp cung cấp hộp đen với bộ GTVT mới đây, ông Nguyễn Văn Thanh, phó chủ tịch hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cũng băn khoăn như vậy khi thắc mắc: “Một số doanh nghiệp đã lắp đặt hộp đen trên xe nay xử lý thế nào, có phải tháo ra đi kiểm chuẩn lại không, nếu kiểm chuẩn thì như thế nào?” Cũng theo ông Thanh, có đến 80 – 90% đơn vị vận tải hoạt động theo mô hình hợp tác xã nên việc lắp đặt hộp đen phần lớn là do lái xe tự bỏ tiền túi ra. Vì vậy, việc tiết giảm chi phí là rất cần thiết để họ tự giác chấp hành.

Còn theo đại diện một số công ty chuyên cung cấp thiết bị giám sát hành trình thì hộp đen đã lắp đặt vẫn sử dụng được sau khi nâng cấp một số phần mềm, và chi phí là không quá lớn. Chỉ tốn khoảng 200.000 – 300.000 đồng/thiết bị là có thể nâng cấp phần mềm đáp ứng các tiêu chí để kiểm chuẩn.

Cũng tại cuộc họp nói trên lẫn trả lời Sài Gòn Tiếp Thị trước đó, thứ trưởng bộ GTVT Lê Mạnh Hùng xác nhận sẽ kiến nghị Thủ tướng lùi thời điểm xử phạt hộp đen thêm một năm để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải cũng như nhà sản xuất, cung cấp chủ động, có thời gian chuẩn bị.

“Tuy nhiên, việc lắp đặt theo lộ trình từ ngày 1-7-2011 vẫn phải thực hiện và các cơ quan quản lý vận tải sẽ kiểm soát việc này thông qua việc đăng ký, cấp phép kinh doanh vận tải”, ông Hùng khẳng định.

Theo Chí Hiếu
Sài Gòn tiếp thị

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.