Hơn 3.800 lao động VN có cơ hội sang Libya làm việc

Hơn 3.800 lao động VN có cơ hội sang Libya làm việc
TP - Tin vui này được cùng lúc phát đi từ Tổng Cty Vinaconex (Việt Nam) và Cơ quan thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng & dân dụng của chính phủ Libya. PV Tiền phong đã trao đổi với  ông Thân Thế Hà - Giám đốc Trung tâm XKLĐ & thương mại Vinaconex - về việc này.
Hơn 3.800 lao động VN có cơ hội sang Libya làm việc ảnh 1
Ông Thân Thế Hà

Ngày 11/6/2007, sau một thời gian đàm phán, hai đơn vị nói trên đã ký được một hợp đồng mới; đưa 3.873 lao động Việt Nam sang Libya làm việc trong thời gian tới.

Ông Thân Thế Hà cho biết: Ngay từ 12/6/2007, Trung tâm cùng phía bạn đã bắt đầu  nhận hồ sơ dự tuyển số lao động này. Lao động được tuyển sẽ làm việc tại các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng & dân dụng.

Cuối tháng 6 đầu tháng 7/2007 sẽ đi đợt đầu tiên, với khoảng 400 – 500 lao động thuộc 71 ngành nghề; tiền lương cơ bản (mỗi ngày làm việc 8 giờ) có nhiều mức, trong đó cao nhất 1.000 USD/tháng (với kỹ sư), thấp nhất 190 USD/tháng (với lao động phổ thông làm nghề xây dựng, cơ khí)...

Đối tượng và tiêu chuẩn tuyển chọn cụ thể ra sao, thưa ông?

Chúng tôi sẽ thông báo rộng rãi, với hy vọng mọi lao động có nhu cầu đều có cơ hội lựa chọn. Lao động cần tuyển đợt này là nam giới, tuổi 23 - 40, đạo đức và sức khỏe tốt, tốt nghiệp PTCS trở lên; nếu là thợ thì tay nghề bậc 3/7 trở lên; có kinh nghiệm ít nhất 5 năm (với kỹ sư và thợ), 3 năm (với lao động phổ thông làm nghề xây dựng, cơ khí).

Chế độ làm việc và thu nhập sẽ như thế nào?

Lao động theo hợp đồng 2 năm, sau đó sẽ được gia hạn. Tổng thu nhập bao gồm lương cơ bản cộng với thu nhập từ làm thêm giờ và thưởng (nếu có).

Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), lao động VN đang làm việc ở Libya chủ yếu là nghề xây dựng (tại các công trình dầu khí) và cơ khí; có thu nhập tốt và ổn định. Với quan hệ tốt đẹp giữa hai nước như hiện nay, các doanh nghiệp VN sẽ tiếp tục được tạo thuận lợi để đưa thêm nhiều lao động sang Libya.

Thời gian tới, đại diện Chính phủ hai nước sẽ họp bàn và tiến tới  ký kết văn bản thoả thuận về hợp tác lao động.

Ngoài tiền lương cơ bản hằng tháng (như trên), nếu mỗi lao động có 2 giờ làm thêm mỗi ngày thì thu nhập cao nhất (kỹ sư) sẽ là 1.375 USD/tháng; thấp nhất (lao động phổ thông làm nghề xây dựng, cơ khí) 262 USD/tháng.

Giờ làm việc cơ bản: 8giờ mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần. Sẽ được làm thêm giờ, với mức 150% cho mỗi giờ làm thêm ngày thường, 200% cho mỗi giờ làm thêm ngày nghỉ hằng tuần và ngày lễ theo quy định của Libya.

Ngoài ra, người lao động còn  được hưởng quyền lợi gì khác, thưa ông?

Người lao động sẽ được cấp vé máy bay lượt đi và về cho 2 năm hoàn thành hợp đồng lao động. Chủ sử dụng lao động sẽ cung cấp nơi ăn, ở và chăm sóc y tế; riêng kỹ sư sẽ được ở phòng riêng có điều hoà nhiệt độ. Mỗi lao động được hưởng thêm một tháng lương cơ bản cho mỗi năm làm việc.

Chi phí đối với mỗi lao động đi XKLĐ Libya ra sao, thưa ông?

Trước khi lên đường, mỗi lao động cần phải nộp từ 1.450 USD đến 1.550 USD (tuỳ theo mức lương cơ bản từng nghề); trong đó 700 USD đặt cọc một lượt vé máy bay, phí dịch vụ XKLĐ một tháng lương cơ bản cho mỗi năm làm việc ở nước ngoài theo quy định của Nhà nước.

Kỹ sư được ưu tiên, chỉ nộp một tháng lương cơ bản trước khi bay. Các chi phí trên chưa kể phí làm hộ chiếu, khám sức khoẻ, phí xin visa theo quy định của Đại sứ quán Libya tại Việt Nam.

Nguyên Bảng – Phong Cầm
Thực hiện

MỚI - NÓNG