Diễn đàn Xúc tiến đầu tư vào Tây Nguyên:

Hơn 8,5 nghìn tỷ đồng cho các lĩnh vực trọng yếu

Hơn 8,5 nghìn tỷ đồng cho các lĩnh vực trọng yếu
TP - Tại Diễn đàn Xúc tiến đầu tư vào Tây Nguyên lần đầu tiên được tổ chức, các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đã ký kết thực hiện 16 dự án với tổng vốn đầu tư 8.528 tỷ đồng vào năm tỉnh Tây Nguyên.
Hơn 8,5 nghìn tỷ đồng cho các lĩnh vực trọng yếu ảnh 1
Trao quà an sinh xã hội. Ảnh: Hoàng Thiên Nga

Gần 500 đại biểu tham dự diễn đàn tổ chức trọn ngày 5/9/2009 tại thành phố Buôn Ma Thuột, trong đó có các vị khách đến từ Lào, Malaysia, Vương quốc Anh, Liên bang Nga, Ngân hàng Thế giới và các tổ chức tài chính quốc tế và đại diện gần 300 doanh nghiệp và nhà đầu tư trong - ngoài nước.

Các tỉnh trong khu vực đều chuẩn bị sẵn nguồn hồ sơ tư liệu đa dạng, in ấn công phu nhằm giới thiệu đến từng đại biểu tiềm năng và những dự án mời chào đầy triển vọng đem đến lợi nhuận cao của địa phương mình.

Ông Mai Văn Năm, phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên nhấn mạnh: Xét trên tổng thể, Tây Nguyên vẫn chậm phát triển so với nhiều vùng khác. Từ năm 2001 đến nay Tây Nguyên chỉ thu hút được 110 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Các lợi thế về đất, rừng, tài nguyên khoáng sản dù rất lớn nhưng chưa khai thác chiều sâu để phát huy hiệu quả. Công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ, du lịch, xuất khẩu chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.

Dù nhà nước đã quan tâm đến nâng cao dân trí nhưng hiện tại nguồn nhân lực của Tây Nguyên vẫn đang ở trình độ thấp, kể cả đội ngũ cán bộ các cấp... Để có nguồn lực giải quyết những vấn đề trên, phải xác định thu hút đầu tư trong và ngoài nước là động lực của sự phát triển.

Cuối chương trình, đã có 16 dự án được ký kết với tổng số vốn đầu tư 8.528 tỷ đồng tập trung vào các lĩnh vực chế biến nông lâm sản, thủy điện, y tế và du lịch. 

Dẫn đầu là tỉnh Đăk Lăk có bảy dự án được ký kết với tổng số vốn đầu tư 3.105 tỷ đồng; tiếp theo là Kon Tum có ba dự án với số vốn đầu tư 2.771 tỷ đồng; tỉnh Lâm Đồng có bốn dự án, tổng vốn đầu tư 2.052 tỷ đồng; tỉnh Gia Lai hai dự án với số vốn đầu tư 150 tỷ đồng. 

Các doanh nghiệp cũng tặng gần 30 phần quà an sinh xã hội cho năm tỉnh Tây Nguyên, tổng trị giá gần 60 tỷ đồng.

Nhân Diễn đàn Xúc tiến đầu tư  vào Tây Nguyên, Ngân hàng đầu tư & Phát triển Việt Nam và  Liên Việt Bank phối hợp với UBND tỉnh Kon Tum và Đại học Đà Nẵng tổ chức khởi công khu nội trú sinh viên của Đại học Đà Nẵng - Phân hiệu Kon Tum với tổng kinh phí 20 tỷ đồng.

Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển (CODE) Phạm Quang Tú:

Cần đặt đồng bào vào vị trí cổ đông

Trước đây chúng ta có “Chương trình điều tra tổng hợp vùng Tây Nguyên” - gọi tắt là Chương trình Tây Nguyên I, và “Chương trình nghiên cứu xây dựng cơ sở khoa học cho quy hoạch phát triển kinh tế xã hội Tây Nguyên” - gọi tắt là Chương trình Tây Nguyên II.

Tuy nhiên, từ đó cho đến nay đã hơn 20 năm trôi qua mà vẫn chưa có lại một chương trình nghiên cứu, đánh giá tổng thể nào để làm cơ sở hoạch định cho chiến lược phát triển bền vững Tây Nguyên.

Cần xây dựng cơ chế kêu gọi sự tham gia hợp tác, đầu tư giữa doanh nghiệp và người dân địa phương nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo ở trong vùng đang ngày càng gia tăng.

Dù các doanh nghiệp đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội, tuy nhiên đây vẫn không phải là giải pháp lâu dài và bền vững. Cần đảm bảo rằng người dân Tây Nguyên sẽ làm chủ các chương trình phát triển trên địa bàn, để họ là những cổ đông trong các chương trình đầu tư phát triển tại Tây Nguyên.

Tiến sĩ Trịnh Đức Minh - Phó Giám đốc Sở KH&CN Đăk Lăk :

Đầu tư cho phát triển công nghệ cao

Tây Nguyên đang rất cần những dự án mang tính đón đầu vào phát triển nông lâm nghiệp công nghệ cao. Thực tế, một số nhà đầu tư có ý định này không vượt qua nổi trở ngại về thiếu nhà thẩm định và tư vấn đủ năng lực.

Ngược lại, chủ sở hữu công nghệ cũng khó tìm được doanh nghiệp chung tiếng nói để chuyển giao. Nhà nước cần có cơ chế phù hợp để thu hút doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực này.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.