Hồng vuông Trung Quốc tràn vào Lạng Sơn

Hồng vuông Trung Quốc tràn vào Lạng Sơn
TP - Vài tháng gần đây, người dân Bảo Lâm (Lạng Sơn) “ruồng bỏ” cây hồng đặc sản quê hương mình, tìm đường sang bên kia biên giới mang vác một thứ quả tương tự: hồng vuông (Trung Quốc) nhập lậu về Việt Nam.
Hồng vuông Trung Quốc tràn vào Lạng Sơn ảnh 1

Người dân Bảo Lâm nườm nượp gánh hồng vuông nhập lậu qua biên giới. Ảnh: N.D.C

Bảo Lâm là một xã giáp biên nổi tiếng với cây hồng đặc sản. Hiện nay xã có trên 100 ha với hàng nghìn gốc hồng, hầu như nhà nào cũng trồng cây đặc sản này.

Ông Đoàn Quang Bảy, Chủ tịch UBND xã Bảo Lâm trăn trở trước việc hồng Trung Quốc nhập lậu ồ ạt và đang “bóp chết” hồng địa phương. Hồng Bảo Lâm nổi tiếng xưa nay là loài quả không hạt, ăn giòn, ngọt đậm, giàu chất đường.

Thế nhưng, hồng ngày càng thoái hoá, quả nhỏ, cộng với chi phí chăm sóc, bảo vệ cây cao nên cho thu nhập không đáng kể. Mọi năm, hồng Bảo Lâm bán được 8.000đồng/kg, nhưng năm nay chỉ bán trên 5.000 đồng mà còn chật vật.

Hồng vuông TQ quả to, mẫu mã đẹp, đỏ lựng, “bắt mắt” hơn hồng Bảo Lâm nhiều. Đã vậy, giá lại rất rẻ. Mua buôn tại xã Bảo Lâm chỉ có 2.000 đồng/ kg nên nhiều tư thương chuyển hẳn sang “đánh” hàng hồng vuông TQ. Khi về xuôi tiêu thụ, hồng vuông sẽ biến thành hồng Bảo Lâm nên lợi nhuận rất cao.

Toàn tỉnh có 1.417 ha trồng cây hồng, trong đó có giống hồng Bảo Lâm rất thơm ngon không hạt. Tỉnh Lạng Sơn đã tìm cách phục hồi cây hồng Bảo Lâm nhưng đến nay vẫn chưa thành công.

Từ chỗ trồng cây đặc sản không đem lại hiệu quả kinh tế, bà con dân bản ở Bảo Lâm đã rủ nhau đi gánh hồng thuê với tiền công 10.000 đồng/ gánh qua biên giới.

Hồng vuông được nhập lậu qua các đường mòn trên biên giới đi qua thôn Co Luồng rồi tập kết tại thôn Nà Pàn (xã Bảo Lâm). Chỉ một buổi sáng đã có hàng tấn hàng vượt biên trót lọt.

Ông Nguyễn Văn Hải, quê ở huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên) là chủ buôn hồng cho biết, chỉ nửa ngày ông đã được “cửu vạn” chuyển về cho trên 10 tấn.

Điều đáng ngạc nhiên là cảnh tượng dòng người gồng gánh, xe ô tô, xe máy ra vào “ăn hồng” tấp nập, huyên náo cả một biên ải này, vậy nhưng không thấy bóng lực lượng chức năng nào làm nhiệm vụ ở đây.

Ông Triệu Kim Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Lâm thở dài cho biết, nếu cứ tái diễn cảnh này thì Nhà nước mất nguồn thu mà nạn hồng lậu sẽ giết chết những dự án phát triển giống hồng Bảo Lâm- loại cây xóa đói giảm nghèo của tỉnh Lạng Sơn. Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng không biết xử lý việc này thế nào.

MỚI - NÓNG