Chương trình đưa lao động 61 huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài:

Hợp đồng phải ít rủi ro

Hợp đồng phải ít rủi ro
TP - Hợp đồng khi đưa người đi làm việc ở nước ngoài phải được doanh nghiệp thẩm định kỹ và đánh giá ổn định, ít có khả năng xảy ra rủi ro với người lao động.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Cục trưởng Quản lý Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ - TB & XH), khẳng định với PV Tiền Phong.

Hợp đồng phải ít rủi ro ảnh 1

Ông Quỳnh cho biết, Cục Quản lý Lao động Ngoài nước vừa có công văn gửi các doanh nghiệp XKLĐ, trong đó quy định rõ điều kiện đối với các hợp đồng và doanh nghiệp tham gia thí điểm chương trình đưa lao động 61 huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài.

Vậy, các doanh nghiệp tham gia phải đáp ứng các điều kiện gì để giảm thiểu rủi ro cho người lao động,  thưa ông?

Về hợp đồng, phải đáp ứng phù hợp với khả năng và trình độ của người lao động (NLĐ) thuộc huyện nghèo. Có mức thu nhập và các điều kiện khác đối với NLĐ ở mức trung bình khá trở lên (so với mặt bằng chung của thị trường). Hợp đồng phải được thẩm định kỹ và được đánh giá ổn định, ít có khả năng xảy ra rủi ro với NLĐ.

Các doanh nghiệp tham gia thí điểm phải có hợp đồng với ngành nghề, yêu cầu phù hợp với trình độ văn hóa, tay nghề của NLĐ, có mức chi phí hợp lý. Doanh nghiệp phải có kinh nghiệm trong việc tổ chức tuyển chọn, đào tạo, quản lý và giải quyết vụ việc phát sinh đối với NLĐ khi đang làm việc ở nước ngoài, đã tổ chức đưa nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Trường hợp, chưa đưa được số lượng lao động lớn thì phải là doanh nghiệp có đội ngũ cán bộ có nhiều kinh nghiệm. Có năng lực tài chính và có cam kết hỗ trợ về tài chính cho NLĐ. Có khả năng ứng trước các chế độ cho NLĐ trong thời gian Quyết định 71 chưa có cơ chế hỗ trợ.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải có cơ sở đào tạo quy mô phù hợp với số lao động dự kiến tuyển để tập trung đào tạo. Trong vòng một năm lại đây chưa bị xử lý hành chính về các vi phạm liên quan đến tuyển chọn, thu tiền hoặc quản lý, bảo vệ quyền lợi của lao động làm việc ở nước ngoài. Riêng doanh nghiệp vi phạm nhiều lần sẽ không được tham gia chương trình.

Vì sao lại phải quy định hợp đồng phù hợp với trình độ lao động ở các huyện nghèo?

Quy định này được hiểu là không phải tuyển lao động rồi cho xuất cảnh ngay mà còn phải đào tạo. Chúng tôi đã có quy định doanh nghiệp phải có khả năng tạm ứng đào tạo trong khi Quyết định 71 chưa có quy định cụ thể về cơ chế  và các thủ tục hỗ trợ. Doanh nghiệp muốn tham gia phải bỏ chi phí tạm ứng và sẽ được thanh toán sau, chứ không phải tuyển xong là đưa lao động đi ngay.

Việc chọn các thị trường bình dân liệu có thu hút được NLĐ tham gia?

Qua việc triển khai thí điểm tại Thanh Hóa và Yên Bái, tôi thấy người lao động rất hào hứng. Tại Thanh Hóa, đã tuyển được 70  lao động đi đào tạo tiếng Hàn để đi theo chương trình cấp phép mới. Còn ở Yên Bái tuyển được 30 lao động.

Các địa phương đang thông báo để lao động có đủ điều kiện đăng ký. Trung tâm Lao động Ngoài nước cũng đang làm việc với các huyện để lọc lại danh sách lao động. Lao động đi Lybia và Algeria cũng đã đăng ký, các doanh nghiệp đang kiểm tra sức khoẻ và bắt đầu đào tạo.

Cục sẽ công khai danh sách các doanh nghiệp tham gia chương trình 61 huyện nghèo?

Số lượng doanh nghiệp tham gia đề án là không cố định. Cục chúng tôi kêu gọi các doanh nghiệp có những hợp đồng tốt tham gia thí điểm ban đầu.

Xin cảm ơn ông.

Thiện Phúc - Nam Nguyên
Thực hiện

MỚI - NÓNG