Hợp tác xã kiểu cũ chờ… “hóa thân”

Hợp tác xã kiểu cũ chờ… “hóa thân”
TP - Lâm Đồng là địa phương duy nhất trong cả nước còn tồn tại các HTX nông nghiệp kiểu cũ với tư liệu sản xuất thuộc sở hữu tập thể. Hàng chục năm qua, các HTX này hoạt động kém hiệu quả, nợ nần chồng chất.

11 HTX nông nghiệp kiểu cũ còn tồn tại ở Lâm Đồng là An Lạc (Bảo Lâm), Thạnh Nghĩa (Đơn Dương), Đông Di Linh và Tây Di Linh (Di Linh) và 7 HTX ở Bảo Lộc. Các HTX này có hơn 4.000 xã viên, hàng vạn lao động và đang sở hữu hàng ngàn ha cây trồng.

Đất đai chủ yếu do xã viên đưa vào HTX nhưng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) lại thuộc về HTX. Xã viên chỉ được giao đất để sản xuất rồi nộp từ 3-7% sản lượng cho HTX chứ không có quyền chuyển nhượng, cho thuê; không được thế chấp để vay vốn; không thể chủ động chuyển đổi giống và cơ cấu cây trồng, do đó năng suất, chất lượng sản phẩm trên một đơn vị diện tích thấp hơn nhiều so với các hộ cá thể.   

Mỗi HTX sở hữu trung bình 150 ha đất (giá trị tài sản cố định từ vườn cây lên tới nhiều tỷ đồng) nhưng số tiền thu khoán chỉ khoảng 100 triệu đồng mỗi năm nên hầu như không có vốn để hoạt động. Tiêu biểu, HTX An Lạc sở hữu tới 300 ha chè và cà phê nhưng chỉ có 430 ngàn đồng vốn lưu động.

Do công tác quản lý yếu kém nên nhiều xã viên chây ỳ không chịu trả nợ khiến việc thu hồi vốn của HTX rất khó khăn dẫn đến tình trạng lãi mẹ đẻ lãi con, nợ nần chồng chất.

HTX Đông Di Linh đầu tư ứng trước 5,3 tỷ đồng cho xã viên từ những năm 2002 – 2003 nhưng đến nay xã viên vẫn còn nợ 4,1 tỷ, do đó HTX thiếu vốn trầm trọng, không đủ chi phí quản lý và trả lãi ngân hàng; cán bộ quản lý chỉ được trả thù lao vài ba trăm ngàn một tháng và không có bảo hiểm xã hội…  

Bởi mô hình HTX kiểu cũ chỉ còn tồn tại ở Lâm Đồng nên xã viên chịu nhiều thiệt thòi: Việc miễn thuế nông nghiệp và miễn lãi suất vay vốn cà phê đều bị chậm trễ vì phải gửi công văn ra Chính phủ để xin bổ sung đối tượng được hưởng chính sách là hộ xã viên.

Tiến trình chuyển đổi quá chậm

Từ những năm 2003-2005, nhiều xã viên đã bức xúc kiến nghị nhưng mãi đến tháng 2/2006, UBND tỉnh Lâm Đồng mới ra quyết định tổ chức triển khai “Hóa giá vườn cây và chuyển giao quyền sử dụng đất (HGVC&CGQSDĐ) của HTX cho hộ xã viên quản lý sử dụng”.

Mỗi vườn cây được tính toán, xác định giá trị để hóa giá rồi cấp sổ đỏ cho hộ xã viên đang trực tiếp sản xuất. Số tiền HGVC sẽ được bổ sung vào vốn sản xuất kinh doanh của HTX để phát triển ngành nghề, tăng cường các hoạt động dịch vụ, tín dụng…

“Có lẽ do sống trong bao cấp quá lâu nên cán bộ HTX thiếu năng động, sáng tạo khi xây dựng phương án hoạt động mới. Tổ chuyên viên phải hướng dẫn nhiều lần nên mất nhiều thời gian” - Tổ trưởng tổ chuyên viên Ban chỉ đạo HGVC&CGQSDĐ tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Lục nhận định.

Theo kế hoạch, đến tháng 6/2006 phải hoàn thành công tác này ở HTX Tiến Phát, sau đó mở rộng triển khai trong 10 HTX còn lại.

Thế nhưng, hiện đã gần hết tháng 10/2006 mà phương án “HGVC&CGQSDĐ” của Tiến Phát vẫn chưa được chính quyền thông qua.

9 HTX khác cũng đã xây dựng phương án nhưng chưa thể triển khai vì  chưa có biện pháp xử lý tài chính phù hợp, chưa định hướng được việc sử dụng nguồn vốn để kinh doanh…

Nguyên nhân do năng lực xây dựng phương án của các HTX còn nhiều hạn chế. Các ngành các cấp cũng chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, đội ngũ của tổ chuyên viên còn mỏng, hoạt động chưa đồng đều… 

Mặt khác hiện có sự chênh lệch rất lớn giữa diện tích giao khoán, diện tích trên bản đồ và diện tích thực tế. Qua kiểm tra 604 thửa đất của HTX Tiến Phát, có tới 216 thửa sai sót về diện tích.

Sau nhiều lần điều chỉnh của phường và thị xã, hiện vẫn còn 37 thửa có nhiều sai sót không thể điều chỉnh được, do đó Sở TN&MT phải tiến hành đo đạc lại bản đồ địa chính, điều chỉnh lô thửa. 

Ban chỉ đạo HGVC&CGQSDĐ thừa nhận tiến độ triển khai còn chậm và cho biết đang đốc thúc các ban ngành và 11 HTX đẩy nhanh tiến độ bởi càng kéo dài hoạt động của HTX kiểu cũ thì càng lỗ nặng, phát sinh thêm những vụ tố cáo, khiếu nại phức tạp… 

MỚI - NÓNG