HUD không dám 'cắt lỗ' bất động sản

HUD không dám 'cắt lỗ' bất động sản
Trong khi nhiều đơn vị có thể chấp nhận bán rẻ để giải phóng hàng tồn, các doanh nghiệp nhà nước lại không thể thực hiện do bị ràng buộc bởi nhiều quy định.

Tại hội nghị tổng quan thị trường bất động sản và giải pháp tháo gỡ khó khăn vừa được BIDV tổ chức, câu chuyện lỗ lãi và trách nhiệm của doanh nghiệp Nhà nước một lần nữa lại được đề cập.

Theo Phó tổng giám đốc phụ trách Tổng công ty Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) - Nguyễn Văn Bách, lâu nay nhà đầu tư bất động sản bị mang tiếng thu lợi nhuận quá cao là do "có nguyên nhân". Ngoài giá vật tư, lương nhân công tăng nhanh, mấu chốt vấn đề là việc nâng hệ số đền bù hỗ trợ người dân di dời đã tăng từ 1,5 lên 5 lần, theo Nghị định 69.

"Tính riêng địa bàn Hà Nội, tiền bồi thường giải phóng mặt bằng một m2 đất nông nghiệp lên đến 1,5-1,6 triệu đồng", ông Bách chia sẻ.

Đại diện HUD cho rằng, cách tính tiền sử dụng đất được các địa phương áp dụng theo phương pháp thặng dư, cho phép doanh nghiệp chỉ được lãi 14% cũng khiến doanh nghiệp đã khó càng thêm khó. Trong bối cảnh thị trường khó khăn, giá bán thị trường thấp hơn giá thành và Doanh nghiệp Nhà nước "thà lỗ để đấy chứ không dám bán".

'Tiền sử dụng đất được tính từ khi thị trường còn nóng, bây giờ nguội lạnh thế này thì cứ nằm chờ thôi. Bán lỗ là mấy ông đứng đầu chịu trách nhiệm, không bán được', ông Bách lý giải.

HUD không dám 'cắt lỗ' bất động sản ảnh 1

Ông Bách cho biết HUD không bán lỗ bất động sản

Phát biểu của vị lãnh đạo này bắt nguồn từ quy định tại điều lệ của tổng công ty cũng như quy chế quản lý chung được ban hành với doanh nghiệp Nhà nước. Theo đó, Hội đồng thành viên của HUD có thể bị miễn nhiệm trong trường hợp để tổng công ty lỗ hoặc không đạt chỉ tiêu lợi nhuận trong hai năm liên tiếp. Ông Bách cho rằng chính quy định này đã gây sức ép lớn lên các tổng công ty, tập đoàn Nhà nước.

Theo lãnh đao HUD, doanh nghiệp Nhà nước khó khăn càng thêm chồng chất khi hàng không bán được nhưng tiền sử dụng đất vẫn bị thúc nộp. "Tiền sử dụng đất mấy trăm tỷ thì tiền phạt có khi gần bằng rồi, chúng tôi không thể có khả năng nộp được", đại diện doanh nghiệp này than thở.

Thị trường bất động sản đã trải qua giai đoạn trầm lắng dài sau cơn sốt hồi cuối năm 2010. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ồ ạt khuyến mại giảm giá, tăng chiết khấu để xả hàng tồn, mở đầu bằng việc chung cư Đại Thanh giảm giá từ 14 triệu đồng xuống còn 10 triệu đồng. Trong khi đó, khối doanh nghiệp xây dựng Nhà nước vẫn khá yên tĩnh.

Phát biểu tại hội thảo, bà Hoàng Thị Tư, đại diện Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, để giải quyết dứt điểm những khó khăn của thị trường, bản thân nhà đầu tư bất động sản cũng phải giảm giá thành, thay đổi thiết kế thậm chí chấp nhận lỗ.

"Trước đây có lãi, đến thời điểm này quan hệ cung cầu khác thì doanh nghiệp cần chấp nhận. Đã vào thị trường là phải theo quan hệ cung cầu", bà Tư thẳng thắn.

Để gỡ khó cho doanh nghiệp Nhà nước, ông Bách kiến nghị, Chính phủ cần có chính sách cụ thể tháo gỡ khó khăn cho bất động sản, cho phép doanh nghiệp kinh doanh đến đâu nộp tiền đến đó đồng thời giãn hoãn nộp tiền sử dụng đất.

Tại hội nghị, Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp để gửi báo cáo gửi lên cơ quan quản lý. Ông Hà cho rằng, để cởi trói thực sự cho thị trường bất động sản sản cần có giải pháp đột phá. Các chủ đầu tư phải tính toán cụ thể cân nhắc việc giảm giá bán để khơi thông nguồn vốn đồng thời đưa ra một số giải pháp như khuyến mãi thuế phí. Đơn cử, ông Hà dẫn chứng, một ông lớn trong làng bất động sản đã miễn phí chung cư cao tầng giúp người mua được hưởng các tiện ích nhằm kích cầu. "Tôi nghĩ điều quan trọng nhất lúc này là giải phóng hàng tồn kho thì phải chấp nhận hoà vốn, thậm chí lỗ", ông Hà chia sẻ.

Theo Hoàng Lan

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG