Hướng đi mới cho nông dân Quảng Nam

Hướng đi mới cho nông dân Quảng Nam
TP - Rong ruổi khắp nơi tìm tòi nghiên cứu khoa học về ngành chăn nuôi và làm điểm thành công nhiều mô hình độc đáo, sau 7 năm đặt chân đến xứ Quảng, ông Nguyễn Văn Điệu, người dân gốc Sài thành đã biến những vật nuôi có nguồn gốc tận bên kia trời Tây như bồ câu Pháp, gà Ai Cập, thỏ Mỹ… trở thành nguồn thực phẩm tiềm năng mới của dải đất miền Trung.

Đa dạng hóa nguồn vật nuôi,

Hướng đi mới cho nông dân Quảng Nam

Khởi nghiệp

Từ Khu Công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (Quảng Nam), qua nhiều lần hỏi đường, chúng tôi mới tới được trang trại Thiên Nông của ông (thôn Ngân Trung, xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn).

Năm 2003, với diện tích đất hoang hóa hơn 1ha, thuê từ HTX Kinh doanh tổng hợp Điện Ngọc, ông Điệu nuôi thử nghiệm 10 đôi chim bồ câu Pháp theo hình thức nhốt lồng (bán công nghiệp). Thời điểm đó các nhà hàng cao cấp ở Quảng Nam, Đà Nẵng khan hiếm các món ăn chế biến từ thịt bồ câu, một loại thịt mà du khách nước ngoài ưa thích.

Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình nuôi bồ câu Pháp trong lúc cả miền Trung chưa ai thử nghiệm thành công là sự mạo hiểm lớn. Vốn là một kỹ sư trong ngành chăn nuôi, ông hiểu đặc điểm sinh học của giống bồ câu Pháp sinh sản, phát triển tốt ở khí hậu miền Trung. Từ 10 cặp, đến năm 2007, trang trại của ông đã nhân lên 4.500 đôi bồ câu, trong đó có 1.000 đôi bồ câu giống sinh sản và 1.500 đôi giống hậu bị. Cũng trong năm này, ông đã bán 7 tấn thịt, lãi hơn 100 triệu đồng.

Ông Điệu cho biết: “Bồ câu Pháp dễ thích nghi với môi trường nông thôn. Người dân có thể tận dụng lúa và nông sản khác làm thức ăn cho chim bồ câu. Mỗi con giống đẻ 9-10 lần/năm, khoảng 18 con bồ con ra đời, tương đương 9-10 kg thịt. Thịt bồ câu Pháp có hàm lượng protein cao, giàu chất dinh dưỡng, so với các loài gia cầm khác, thì việc nuôi bồ câu Pháp có lãi gấp bội lần, trong khi vốn đầu tư thấp. Nông dân hoàn toàn nuôi được con vật nuôi này, nếu chịu khó thay đổi tập quán chăn nuôi và tuân thủ các điều kiện chăn nuôi hiên đại”.

Dịch cúm gia cầm, rồi dịch tai xanh bùng phát trở lại Quảng Nam, khiến không ít nông dân rơi vào cảnh lao đao, nợ nần. Nhìn hàng triệu con gia súc, gia cầm đem đi tiêu hủy, chứng kiến bao giọt nước mắt của người dân mà lòng ông không khỏi nghẹn ngào. Dân trong nghề như ông lại càng đau đáu hơn khi chưa để lại “sự nghiệp” nào đáng kể nào trên mảnh đất này, mà theo ông, chí ít cũng có cái để người dân học tập phương pháp làm ăn mới

Hướng đi mới cho mảnh đất nghèo miền Trung

Năm 2004, Quảng Nam rơi vào cuộc khủng hoảng thiếu thịt gia cầm sạch trên thị trường. Trong bối cảnh đó, ông đã lặn lội khắp Nam cùng Bắc, ra nước ngoài để đem giống thỏ ngoại có nguồn gốc từ Mỹ về nuôi thử nghiệm. Ban đầu, 50 con thỏ ngoại, rồi đến 1.500 con vào năm 2007. Loài thỏ Mỹ dễ nuôi, thức ăn đơn giản (cỏ trồng, bí đỏ, bắp, rau lang...). Mặt khác, thỏ ngoại lại có sức kháng bệnh cao. Mỗi con thỏ giống sinh sản 8-10 lần/năm. Mỗi lứa từ 3-5 con, bình quân mỗi năm cho 1 tạ thịt thỏ. Ông Điệu nhẩm tính, một con đầu tư tất cả chi phí cộng lại khoản 1 triệu đồng, nhưng doanh thu ít nhất cũng được 4 triệu/năm. Ngoài cung ứng thịt thành phẩm trên thị trường, trang trại Thiên Nông còn có hợp đồng kinh tế với Viện Pesteur Nha Trang để phục vụ cho công tác chữa bệnh. Mùa mưa lũ các năm 2006 - 2007, đã gây thiệt hại lớn cho trang trại của ông. Nhưng, bằng nghị lực và niềm tin, ông đã vượt qua và dần dần phục hồi trở lại hai loài bồ câu Pháp và thỏ Mỹ.

Đầu năm 2008, dịch cúm H5N1 hoành hoành. Nói đến chăn nuôi gà, vịt, người nông dân càng lo sợ, xa lánh. Song ông lại dũng cảm đem 500 con gà giống Ai Cập về nuôi thả. Gà nuôi theo phương pháp sinh học, kháng bệnh tốt. Gà này cũng thuộc siêu đẻ, mỗi con đẻ từ 200-220 trứng/năm. Theo giá hiện nay, 1kg thịt gà Ai Cập 80.000 đồng. Trang trại của ông cũng có lò ấp nở trứng, nhằm đáp ứng giống nuôi cho bà con nông dân. Để nhân rộng đàn gà, ông đã liên kết với hàng chục hộ chăn nuôi khác trên địa bàn, nhận tiêu bao toàn bộ sản phẩm. Theo ông Điệu, nếu một hộ nuôi 100 con gà Ai Cập để lấy trứng, thì trừ mọi chi phí mỗi năm có thể bỏ túi 20-30 triệu đồng, còn nuôi gà lấy thịt thì lãi cao hơn.

7 năm, ông chủ Nguyễn Văn Điệu bỏ ra 1,5 tỷ đồng để hình thành trang trại bồ câu Pháp, gà Ai Cập, thỏ Mỹ. Gia sản hiện trong trại lên đến hàng tỷ đồng, và là nơi cung cấp những thế hệ con giống mới cho người chăn nuôi miền Trung.

“Tại sao chúng ta có nguồn nguyên liệu, thức ăn dồi dào cho chăn nuôi, cộng thêm nguồn nhân lực giỏi, nhưng nhiều người chăn nuôi vẫn đi trong cái vòng lẩn quẩn đói nghèo?” – ông băn khoăn. Thoáng chút buồn, rồi ông tự trả lời rằng, nông dân mình thiếu định hướng cơ bản. Tiếp đó là những thói quen thường thấy của người chăn nuôi là tự phát, manh mún, không có kế hoạch, tính toán chi li về một bài toán kinh tế đơn giản. Do vậy, mô hình nuôi bồ câu Pháp, gà Ai Cập, thỏ Mỹ chỉ đem lại giá trị kinh tế cao nếu bà con có lộ trình sản xuất phù hợp, đi đôi với việc ghi chép nhật ký hằng ngày (quy trình nuôi, ngày nhập giống, nguồn gốc xuất xứ ở đâu, khấu hao các khoản chi phí ...).

Trong thời điểm hàng nông sản cạnh tranh quyết liệt, chìa khóa thành công là tạo ra sản phẩm độc đáo, đặc biệt. Mô hình chăn nuôi bồ câu Pháp, thỏ Mỹ, gà Ai Cập… là hướng đi mới, cần được nhân rộng cho người dân vùng đất Quảng Nam.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG