Nguồn lực tài chính cho nông thôn mới:

Huy động sao cho hiệu quả?

Cần huy động nhiều nguồn vốn khác để xây dựng nông thôn mới bền vững. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Cần huy động nhiều nguồn vốn khác để xây dựng nông thôn mới bền vững. Ảnh: Tuấn Nguyễn
TP - Nguồn lực tài chính cho phát triển nông thôn mới lâu nay chủ yếu từ tín dụng và đầu tư công. Chính phủ và các bộ ngành cần phải rà soát, có cơ chế chính sách mở rộng, thu hút thêm các nguồn lực bên ngoài, đảm bảo phát triển bền vững.  

Vốn chủ yếu từ tín dụng và ngân sách 

Bàn về thực trạng huy động và quản lý các nguồn lực tài chính xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Việt Nam, theo TS. Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính, chủ yếu được huy động từ 4 nguồn chính gồm: Chính phủ, DN, nguồn lực từ bên ngoài và từ dân cư. 

Gian đoạn 2011-2015, cả nước đã huy động được khoảng 851 nghìn tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước (NSNN) chiếm 31,3%, vốn tính dụng 435 nghìn tỷ đồng (chiếm 51,1%), vốn DN chiếm khoảng 5%, nguồn đóng góp từ nhân dân chiếm 12,6%. 

Đặc biệt, giai đoạn 2014-2016, Thủ tướng đã phân bổ thêm 15.000 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ (TPCP), trong đó bố trí cho năm 2014 là 4.765 tỷ đồng, 2015 là 10.000 tỷ đồng. 

Theo TS Vũ Nhữ Thăng, vốn huy động từ DN đạt thấp nhất (5%), huy động từ nguồn NSNN cũng đạt thấp so với tổng vốn được huy động. Nguyên nhân bởi trong giai đoạn 2011-2015 Việt Nam bị tác động của tình hình kinh tế thế giới và những yếu kém nội tại trong nước chưa được giải quyết nên nhiều DN gặp khó khăn. Chính phủ và Quốc hội đã phải ban hành nhiều chính sách về miễn, giảm, giãn thuế cho DN và tổ chức, cá nhân nên phần nào cũng ảnh hưởng tới nguồn huy động từ DN, đặc biệt là DN hoạt động trong NN thời gian qua chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh. 

Năm 2016, nước ta đã huy động cho phát triển NTM khoảng 332,5 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nguồn huy động từ tín dụng đạt cao nhất 78,3%, tiếp đến là nguồn từ NSNN khoảng 10% (do cuối năm mới có kế hoạch giao vốn), hai nguồn huy động còn lại từ DN và nhân dân đạt thấp. 
Năm 2017, tổng nguồn lực huy động cho xây dựng NTM khoảng 269,5 nghìn tỷ đồng, trong đó nguồn NSNN chiếm khoảng 16%, nguồn huy động từ tín dụng 58,7%, còn lại từ DN, nhân dân và nguồn lực khác. 

Tạo nguồn lực bền vững: cách nào? 

Qua nghiên cứu thực trạng cơ chế, chính sách huy động và quản lý các nguồn lực xây dựng NTM ở Việt Nam, TS. Vũ Nhữ Thăng cho rằng, nguồn lực cho xây dựng NTM thời gian qua chủ yếu vẫn là nguồn đầu tư công và nguồn tín dụng. Mức độ tham gia của DN, các tổ chức còn hạn chế do chính sách ưu đãi đối với DN đầu tư vào NN, nông thôn chưa đủ hấp dẫn. 

“Cả nước hiện chỉ có khoảng 1% trong tổng số DN đầu tư vào NN với số vốn chiếm khoảng 3% tổng vốn đầu tư của khu vực DN vào sản xuất kinh doanh. Hơn thế chủ yếu là các DN quy mô nhỏ, số DN có vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm trên 55%”, ông Thăng chỉ rõ.

Ngoài ra, vấn đề giải quyết nợ đọng trong xây dựng NTM ở nhiều địa phương chưa được xử lý triệt để. Trong quản lý nguồn lực tài chính cho xây dựng NTM, ông Thăng cho rằng những hạn chế trong giám sát, điều hành và hạn chế trong phương thức phân bổ nguồn lực đã dẫn tới những kết quả chưa được như mong đợi. 

Do đó, để tăng thêm nguồn lực bền vững cho xây dựng NTM trong thời gian tới, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần rà soát, hoàn thiện các chính sách thu NSNN theo hướng mở rộng cơ sở nguồn thu, tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương. 

“Cần nghiên cứu và ban hành Luật Thuế bất động sản theo các nghị quyết của Trung ương. Thực tế, tại nhiều quốc gia, thu ngân sách từ thuế bất động sản đã trở thành một nguồn thu quan trọng cho ngân sách địa phương và có xu hướng ngày càng mở rộng”, vị chuyên gia phân tích.

Huy động sao cho hiệu quả? ảnh 1  
MỚI - NÓNG