Hủy hợp đồng mua AVG: Các bên liên quan nói gì?

TP - Trong thông cáo báo chí phát đi chiều 13/3, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, đã chấp thuận chủ trương cho phép MobiFone đàm phán chấm dứt hợp đồng mua 95% cổ phần AVG. MobiFone cũng cho hay, nhóm cổ đông AVG đã đặt cọc số tiền gần 450 tỷ đồng để cam kết thực hiện việc hủy hợp đồng.

Thông cáo cho hay, ngày 13/3, Bộ Thông tin và Truyền thông đã báo cáo Ban Bí thư, Thường trực Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ về thông tin hủy bỏ thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần giữa Tổng công ty viễn thông di động (MobiFone) và Công ty cổ phần nghe nhìn toàn cầu (AVG).

Theo thông tin từ Bộ TT&TT, Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn cũng đã trao đổi với Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái để thông báo về những diễn biến mới xung quanh thương vụ trên. Đây là những thông tin để Thanh tra Chính phủ và đoàn thanh tra có căn cứ xem xét, gửi tới người ra quyết định thanh tra, theo đúng quy định.

Thông cáo cũng cho hay, căn cứ ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư, trong điều kiện hợp đồng MobiFone mua 95% cổ phần AVG chưa thực hiện xong, Bộ đã chỉ đạo MobiFone làm việc với nhóm cổ đông chuyển nhượng cổ phần AVG để đàm phán chấm dứt hợp đồng với nguyên tắc thu hồi đầy đủ số vốn mà MobiFone đã bỏ ra.

Lý do hủy hợp đồng, theo Bộ TT&TT, việc MobiFone chưa thanh toán 5% giá trị hợp đồng là lý do khiến AVG có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng. Không chỉ vậy, MobiFone có thể bị phạt tới 8% giá trị hợp đồng. Như vậy, với giá trị hợp đồng chuyển nhượng 8.889,8 tỷ đồng, số tiền MobiFone bị phạt có thể tương đương hơn 711 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 12/3, tại trụ sở Bộ TT&TT, nhóm cổ đông và Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc MobiFone đã có cuộc họp, trao đổi về việc chấm dứt hợp đồng mua AVG với nguyên tắc: Nhóm cổ đông MobiFone thống nhất việc chấm dứt hợp đồng; MobiFone hoàn trả lại toàn bộ cổ phần AVG cho nhóm cổ đông; Nhóm cổ đông hoàn trả lại đầy đủ số tiền MobiFone đã thanh toán cộng với tiền lãi và các chi phí liên quan. Các nội dung chi tiết và trình tự thực hiện sẽ được hai bên tiếp tục đàm phán và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Như vậy, MobiFone sẽ nhận được số tiền lớn hơn số tiền đã thanh toán cho nhóm cổ đông.

Cũng trong ngày13/3, MobiFone cũng cho hay, thực hiện chỉ đạo của Bộ TT&TT, MobiFone đã báo cáo Bộ TT&TT chủ trương huỷ hợp đồng thoả thuận mua 95% cổ phần của AVG và đã được Bộ đồng ý. Hiện MobiFone và nhóm cổ đông AVG đang xúc tiến việc huỷ bỏ hợp đồng thỏa thuận mua bán cổ phần theo các quy định pháp luật. Theo thỏa thuận hai bên, nhóm cổ đông AVG đã đặt cọc số tiền gần 450 tỷ đồng để cam kết thực hiện việc hủy hợp đồng. Hai bên sẽ khẩn trương xem xét và thực hiện những công việc cần thiết trên tinh thần thiện chí, đảm bảo không thiệt hại cũng như không ảnh hưởng tới nguồn vốn và lợi ích của Nhà nước.

Trước đó, vào tháng 1/2016, theo thông cáo được MobiFone gửi cho báo chí về việc mua cổ phần tại Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), dù không đề cập giá trị thương vụ mua bán nhưng MobiFone cho biết đơn vị này đặt mục tiêu phát triển một triệu khách hàng đăng ký mới dịch vụ truyền hình trong năm 2016. Đến năm 2020, MobiFone muốn trở thành một trong 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam. Đến ngày 26/4/2016, Truyền hình An Viên-MobiFone chính thức thay đổi tên thương hiệu, biểu tượng dịch vụ thành MobiTV.

Cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm về vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp

Điều 28, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 quy định, việc đầu tư ra ngoài doanh nghiệp phải hợp với chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm và kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp.

Việc đầu tư ra ngoài doanh nghiệp có thể dưới dạng góp vốn, mua cổ phần, mua toàn bộ doanh nghiệp khác..

Về thẩm quyền quyết định đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp: Hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty quyết định từng dự án với giá trị không quá 50% vốn chủ sở hữu, nhưng không quá mức vốn của dự án nhóm B theo quy định của Luật Đầu tư công (dưới 800 tỷ đồng).

Trường hợp dự án đầu tư ra ngoài doanh nghiệp có giá trị lớn hơn mức trên, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, phê duyệt.

Theo Điều 21, Nghị định 91/2015, doanh nghiệp nhà nước không được góp vốn vào các lĩnh vực bất động sản (trừ doanh nghiệp bất động sản), ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, quỹ đầu tư... Trường hợp đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm này phải được Thủ tướng đồng ý.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp theo quy định.

Với quy định trên, theo các chuyên gia, thương vụ MobiFone thâu tóm AVG phải được báo cáo và được cơ quan đại diện chủ sở hữu của Mobifone đồng ý.             

Lê Hữu Việt

MỚI - NÓNG