Huỵch toẹt “góc khuất” hậu trường các doanh nghiệp

Người ta mới chỉ nhắc đến chuyện doanh nghiệp khó khăn ra sao khi tăng giá điện, giá xăng dầu…nhưng chưa thật sự phanh phui về những khoản phí “bôi trơn” mà doanh nghiệp phải “cõng” thêm. Đây là một trong những sợi dây đang ngáng đường phát triển.

Huỵch toẹt “góc khuất” hậu trường các doanh nghiệp

TS Lê Đăng Doanh đã thay lời các doanh nghiệp đề cập đến những câu chuyện "khó nói" phía hậu trường kinh doanh


Chia sẻ tại hội nghị “Nâng cao năng lực cạnh tranh: Doanh nghiệp chung tay cải cách thể chế” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức ngày 19/3, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, cần nhấn mạnh việc có các Luật quy định nghiêm cấm hành vi của công chức nhà nước đòi hỏi doanh nghiệp “cõng” chi phí đối với các cơ quan nhà nước. 

Vị chuyên gia kể lại, trong một lần đi giảng, có một nữ giám đốc chủ hai khách sạn nhỏ ở Hà Nội đã đưa ông xem thiệp chúc mừng năm mới của một cơ quan nhưng kèm theo đó lại là đề nghị chủ khách sạn phải mừng tuổi theo danh sách 35 cán bộ viên chức của cơ quan trên.

Trong một lần khác, ông đi công tác đến một tỉnh thì được Chủ tịch huyện mời ăn tối. Đến 10h30 tối thì ông Chủ tịch gọi điện các doanh nghiệp và “nhờ thanh toán” trong sự ngơ ngác của những doanh nghiệp này.

Bên cạnh đó, còn có những câu chuyện khác như mùa hè, lãnh đạo, công chức nhà nước “đòi” các doanh nghiệp phải đóng góp cho cán bộ nhân viên đi nghỉ hè, đi khảo sát nước ngoài… Theo ông Doanh, “đây là những việc đã đến lúc cần nói ra”. Thế giới quy định đây rõ ràng chính là những hành vi tham nhũng, vậy tại sao Việt Nam lại không? – nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đặt câu hỏi.

Ông cũng cho rằng, trong bối cảnh hội nhập mà Nhà nước lại nâng giá điện, tăng phí môi trường… thêm vào đó lại phải “cõng” thêm các khoản “phí bôi trơn” này thì tổng chi phí doanh nghiệp bỏ ra sẽ phải “đội” lên bao nhiêu, doanh nghiệp sao chịu nổi? Do đó, cần nhìn thẳng vào sự thật vào có những điều chỉnh để không “đụng vào những giới hạn”. 

Cũng tại hội thảo này, TS Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhìn nhận, không thể chỉ dựa vào các chỉ số để đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vì còn những chi phí “bôi trơn” không được tính vào trong quá trình điều tra, không phản ánh hết được những thủ tục lằng nhằng gây khó dễ cho doanh nghiệp mà mới chỉ dựa trên những lời khai chính thống từ doanh nghiệp.

Cũng theo ông Hồ, ở những địa phương nào có lãnh đạo quản lý, sở ngành quan tâm chỉ đạo trực tiếp và làm quyết liệt thì sẽ thay đổi, còn buông ra thì ngay lập tức sẽ chùng xuống. Đó là nguyên nhân mà có những tỉnh năm nay chỉ số PCI tăng, năm sau lại giảm năng lực cạnh tranh.

Quá trình phát triển của doanh nghiệp đang bị cản trở bởi nhiều yếu tố phi kinh doanh

Quá trình phát triển của doanh nghiệp đang bị cản trở bởi nhiều yếu tố phi kinh doanh

“Cũng cần phải thương doanh nghiệp Nhà nước”

TS Lưu Bích Hồ cũng chỉ ra rằng, không chỉ có các doanh nghiệp tư nhân mà cả những doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cũng vấp phải những vước mắc này. Do đó “cần phải thương DNNN chứ không nên chỉ nói xấu, nói không hay”. Ông Hồ kể, có Tổng giám đốc một doanh nghiệp từng ngao ngán cho biết, một ngày có thể phải nhận tới hàng chục, hàng trăm cuộc điện thoại “hỏi thăm”. 

Nói đến vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI chia sẻ, đúng là “cũng phải thương DNNN” nhưng cách thương này phải là đưa Cục Quản lý cạnh tranh ra khỏi Bộ chủ quản, để DNNN vào môi trường cạnh tranh bình đẳng trên thị trường, đó mới là “thương” đúng cách.

“Chúng ta phải thương doanh nghiệp nhà nước, họ cũng cần môi trường kinh doanh bình đẳng và thương doanh nghiệp tốt nhất là đặt họ vào môi trường kinh doanh bình đẳng tức là phải đưa ra điều kiện thuận lợi để họ tiếp cận dễ dàng nguồn lực” – ông Lộc nêu quan điểm.

Theo ông, hiện nay, các DNNN đang được hưởng nhiều thuận lợi nhưng đồng thời họ lại chịu sự can thiệp quá nhiều của cơ quan chủ quản trong khi điều quan trọng là phải để doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường.  Do vậy, phải giảm bớt sự can thiệp của cơ quan nhà nước với tư cách cơ quan chủ quản bằng cách tạo điều kiện giải phóng nó, nhà nước đóng vai trò như cổ đông, chủ sở hữu nhưng không can thiệp vào hoạt động hàng ngày. 

“Có ý kiến nói cần làm sao để doanh nghiệp tư nhân bình đẳng với doanh nghiệp nhà nước nhưng cũng phải nói công bằng, để doanh nghiệp nhà nước công bằng, cạnh tranh với doanh nghiệp tư nhân”. Ông Lộc cho rằng, hiện có nhiều cách điều hành trên thế giới, Việt Nam có thể lựa chọn. Điều quan trọng là DNNN đang nắm giữ nguồn lực lớn và cũng có tiềm năng nên cần giải phóng để tạo điều kiện tự do kinh doanh.

Cơ quan quản lý cạnh tranh cần là cơ quan độc lập với tư cách cơ quan độc lập có thể ở bất kỳ bộ nào nhưng với điều kiện Bộ đó không giữ vai trò chủ quản doanh nghiệp nhà nước thì tính độc lập được đảm bảo. 

“Sẽ là bài toán khó cho bất kỳ một ông Bộ trưởng nào khi vừa đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng vừa chăm lo quan tâm đến những “con đẻ” của mình” – ông Lộc dí dỏm. 

Hiện có câu chuyện nổi lên đó là viêc Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng trực tiếp chỉ đạo ngành điện khi trước đó ông Vượng đã có thời gian đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Vậy làm sao có thể đảm bảo được vấn đề minh bạch trong giá thành điện cũng như vấn đề tài chính?

Về câu hỏi này, ông Lộc cho rằng, EVN là doanh nghiệp có tính chất độc quyền tự nhiên và cơ quan phải phán xử độc quyền là Bộ Công Thương.

“Điều quan trọng là phải tiến tới bỏ chế độ chủ quản. Các bộ ngành chỉ quản lý nhà nước và không là chủ quản của DNNN lúc đó mới thực sự có môi trường cạnh tranh thật sự bình đẳng” – ông Lộc cho hay.

Theo Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG