Hy Lạp: Biện pháp khắc nghiệt chống phá sản quốc gia

Hy Lạp: Biện pháp khắc nghiệt chống phá sản quốc gia
TP - Phát biểu tại cuộc thảo luận gay gắt trong quốc hội hôm 6-5, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Giorgos Papakonstantinou nói rằng hy vọng duy nhất của Hy Lạp lúc này để tránh cuộc phá sản quốc gia là nhận được tiền giải cứu cả gói 110 tỷ euro từ cả các nước EU ngoài khu vực đồng euro lẫn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Muốn nhận được khoản tiền cứu trợ cả gói 110 tỷ Euro trong 3 năm,  Hy Lạp phải áp đặt những biện pháp thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt bao gồm việc cắt giảm lương của cả người lao động lẫn trợ cấp hưu trí đồng thời với việc tăng thuế.

Khoản tiền này nhằm mục đích kiềm chế cuộc khủng hoảng nợ của Athens hiện nay và nhằm ngăn cản tác động xấu của cuộc khủng hoảng này lên các nền kinh tế EU khác đang trên bờ vực phá sản như Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.

Ngay sau khi chính phủ Hy Lạp công bố biện pháp thắt lưng buộc bụng khắc khổ, hơn 100.000 người đã xuống đường biểu tình chống chính phủ, đập phá nhiều tòa nhà ngân hàng ở Athens.

Cuộc biểu tình nhanh chóng biến thành bạo lực khi những kẻ quá khích tràn vào chiếm giữ tòa nhà quốc hội, xô xát với cảnh sát, đập phá nhiều khách sạn, ngân hàng, cửa hiệu…

Đã có ít nhất hai tòa nhà ngân hàng ở Athens bị những người biểu tình đốt cháy. Các trụ sở ngân hàng bị đốt khiến ba người gồm một nam, hai nữ, trong đó có một người đang mang bầu thiệt mạng. Lực lượng cứu hỏa đã phải dùng thang đặc chủng cứu 4 người từ cửa sổ tòa nhà ngân hàng bị đốt cháy.

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Giorgos Papakonstantinou nói rằng các biện pháp tài chính khắc khổ mà quốc hội vừa thông qua là việc không thể tránh khỏi vì Hy Lạp chỉ có 2 tuần để thực hiện các điều kiện vay khoản cứu trợ cả gói của IMF. Nếu không nhận được khoản cứu trợ này, Hy Lạp sẽ rơi vào cảnh vỡ nợ.

Đ.P
Theo AP

MỚI - NÓNG