IPO Vietcombank tác động thế nào đến thị trường?

IPO Vietcombank tác động thế nào đến thị trường?
TP - Cả thị trường chứng khoán Việt Nam đang thực sự hồi hộp khi ngày IPO Ngân hàng Vietcombank (VCB) đang ngày càng đến gần. Kịch bản nào cho đợt IPO lớn nhất trong lịch sử này?
IPO Vietcombank tác động thế nào đến thị trường? ảnh 1
Giá cổ phần của Vietcombank sẽ tác động lớn đến giá nhiều cổ phiếu khác trên thị trường - Ảnh: Phạm Yên

Cái giá mà các nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra để nắm giữ cổ phiếu VCB là bao nhiêu? Và khi cổ phiếu VCB xuất hiện trên sàn niêm yết, những cổ phiếu ngân hàng ACB, STB và một loạt cổ phiếu ngân hàng trên thị trường OTC sẽ chuyển biến theo hướng đi như thế nào?

Với phương thức phát hành khá thận trọng và được chuẩn bị kỹ càng, tuy nhiên thông tin chính thức về đợt IPO VCB được đưa ra còn khá hạn chế.

Điều đó khiến mỗi thông tin về đợt IPO này được tung ra đều khiến thị trường chờ đợi.

Đặc biệt những cuộc phi mã mạnh mẽ của cổ phiếu ngân hàng như STB và ACB càng khiến các nhà đầu tư có nhiều nhận định khác nhau về đợt IPO Ngân hàng VCB.

Theo dự tính, tối đa 20% vốn điều lệ sẽ được dành bán cho cổ đông chiến lược nước ngoài và 5% dành cho cổ đông chiến lược trong nước.

Lượng cổ phiếu bán ra công chúng theo hình thức đấu giá công khai chỉ là 6,5%. Động thái chỉ bán cho nhà đầu tư cá nhân 6,5% vốn điều lệ là một dấu hiệu cho thấy lượng cung cổ phiếu VCB là không nhiều. Trong khi đó, lượng cầu đối với cổ phiếu VCB là rất lớn.

Nếu tính theo chiết khấu dòng tiền dựa vào đóng góp của ngành ngân hàng với GDP của quốc gia thì cổ phiếu VCB đã được một Tiến sĩ kinh tế ước tính với giá vào khoảng 40.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên những nhà đầu tư trên thị trường hiện nay khó mà có thể tin vào mức giá này bởi về mặt trực giác, những cổ phiếu ngân hàng như STB và ACB đều có giá cao hơn mức này.

Nếu so sánh với mức giá của cổ phiếu VCB với STB và ACB đang niêm yết trên sàn theo phương thức chiết khấu dòng tiền và lợi nhuận kỳ vọng thì nếu với mức PE là 50, giá VCB sẽ rơi vào khoảng 120.000 đồng/cổ phiếu.

Tất nhiên, sự so sánh giữa VCB với STB hay ACB chỉ mang tính tham khảo bởi quy mô, vị thế và giá trị thương hiệu của ba ngân hàng này là rất khác nhau.

Về vị thế và mạng lưới dịch vụ, ngân hàng VCB hiện là ngân hàng số một trên thị trường tài chính nước ta.

Cơ hội nắm giữ cổ phiếu hàng đầu này qua đợt IPO khiến nhiều nhà đầu tư dành cho VCB sự quan tâm đặc biệt. Không phải thương hiệu lớn lúc nào cũng phản ánh vào giá của cổ phiếu bởi nhiều nhà đầu tư vẫn quan tâm hơn đến thực chất tỷ suất lợi nhuận sinh ra trên vốn doanh nghiệp.

Những đợt IPO trước đây cũng đã diễn ra như vậy. Nhìn về mặt thương hiệu, Bảo Việt có sức mạnh thương hiệu và tiềm lực mạnh hơn Bảo Minh. Tuy nhiên giá cổ phiếu của Bảo Minh vẫn cao hơn Bảo Việt do cổ phiếu BVI có độ loãng và mức lãi suất trên vốn không bằng so với BMI.

Dẫu sao, quá trình cổ phần hóa luôn đem lại nhiều những dấu hiệu tích cực. Những doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa và lên sàn niêm yết đều có những bước tiến mạnh mẽ về mặt doanh thu và lợi nhuận.

Đó là một trong những lý do mà những nhà đầu tư khi đi đấu giá trong những đợt IPO có thể chấp nhận một mức giá cao với sự tin tưởng về bước phi mã của cổ phiếu sau khi cổ phần hóa.

Và mức giá mà VCB sẽ dành bán cho cổ đông chiến lược sẽ lập tức có tác động đến mặt bằng giá cổ phiếu ngân hàng trên thị trường niêm yết và OTC.

Khi VCB tiến hành IPO, dòng tiền trên thị trường chứng khoán sẽ được dịch chuyển một phần bởi không ít nhà đầu tư sẽ thanh khoản các cổ phiếu đang niêm yết nhằm giữ tiền mặt để tham gia đợt IPO lịch sử này.

Có thể nói, IPO Vietcombank mang tầm vóc lớn hơn một đợt IPO thông thường. Đó có thể được coi là một liều thuốc thử đối với thị trường. Bởi thị trường chứng khoán Việt Nam mới đang trong giai đoạn định hình và phát triển bền vững.

Có thể nói, việc những tập đoàn lớn cổ phần hóa là những dịp để cơ quan quản lý nhà nước sử dụng làm thước đo nhằm định hình và củng cố sự phát triển bền vững của thị trường.

MỚI - NÓNG