Khách hàng sử dụng ĐTDĐ được hưởng lợi nhiều hơn

Khách hàng sử dụng ĐTDĐ được hưởng lợi nhiều hơn
TP - Doanh nghiệp thông tin di động, lĩnh vực đang được coi là đầy tiềm năng trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, đã ráo riết chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng hội nhập với thị trường rộng lớn “hậu WTO”.
Khách hàng sử dụng ĐTDĐ được hưởng lợi nhiều hơn ảnh 1
Ông Hoàng Trung Hải

Tiền phong phỏng vấn ông Hoàng Trung Hải – Giám đốc Cty Vinaphone.

Nhiều người lo ngại, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, liệu doanh nghiệp thông tin di động như Vinaphone có trụ vững trước sức ép cạnh tranh của những tập đoàn viễn thông khổng lồ?

Sự lo ngại đó là có thật cho nên chúng tôi đã chuẩn bị từ 10 năm trước đây. Một cuộc tập dượt cạnh tranh trong nước giữa các doanh nghiệp thông tin di động đã diễn ra từ nhiều năm qua chính là bước khởi động để Vinaphone chuẩn bị cạnh tranh quốc tế.

Chiếm 37% thị phần, Vinaphone hiện là mạng điện thoại di động lớn nhất Việt Nam với gần 5 triệu thuê bao thực đang hoạt động và là mạng di động đầu tiên phủ sóng 100% số huyện trên toàn quốc.

Với đội ngũ nhân lực, cơ sở hạ tầng, tần số và kho số, lại có sẵn sự hợp tác với các tập đoàn viễn thông lớn trên thế giới, chúng tôi có đủ năng lực để khẳng định ưu thế của mình và phát triển trở thành doanh nghiệp năng động, hiện đại hơn trong môi trường cạnh tranh mới sau khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO.

Nói vậy có nghĩa là không có trở ngại gì lớn với doanh nghiệp thông tin di động?

Xét về tiềm lực tài chính, các doanh nghiệp thông tin di động của chúng ta còn quá nhỏ. Với tổng doanh thu khoảng hơn 2 tỷ USD, có người nói tiềm lực tài chính của cả ngành viễn thông Việt Nam mới bằng một Cty thường thường bậc trung của Hàn Quốc. Các tập đoàn nước ngoài lại có lợi thế về công nghệ, kinh nghiệm và thị trường…

Tuy nhiên, với tiềm lực sẵn có, khi hợp tác với các tập đoàn nước ngoài sẽ là cơ hội để chúng ta học hỏi kinh nghiệm, nên chúng tôi xác định thách thức chính là cơ hội…

Liệu có sự thay đổi chiến lược hoạt động của doanh nghiệp trong môi trường mới không, thưa ông?

Nếu như ký BTA với Mỹ, VN chỉ phải đưa ra các cam kết trong lĩnh vực viễn thông thì khi đàm phán về WTO, VN được yêu cầu thực hiện toàn diện trên 3 lĩnh vực là viễn thông, bưu chính và công nghệ thông tin.

Theo cam kết gia nhập WTO, VN cho phép thành lập liên doanh đa số vốn nước ngoài để cung cấp dịch vụ viễn thông không gắn với hạ tầng mạng.

Doanh nghiệp nước ngoài phải thuê mạng do doanh nghiệp VN nắm quyền kiểm soát và nới lỏng một chút về việc cung cấp dịch vụ qua biên giới. Doanh nghiệp VN nắm đa số vốn mới đầu tư hạ tầng mạng, nước ngoài chỉ được góp vốn đến 49% và cũng chỉ được liên doanh với đối tác Việt Nam đã được cấp phép.

Gọi là điều chỉnh thì thích hợp hơn. Đến thời điểm này, Vinaphone có điều chỉnh chiến lược hoạt động – hướng tới khách hàng nhiều hơn, trong đó có việc tạo ra một hình ảnh gần gũi, gắn bó với khách hàng trên tinh thần “người Việt với sản phẩm Việt”.

Mới đây, chúng tôi đã công bố biểu tượng mới cùng một hệ thống nhận diện thương hiệu trên toàn quốc. Biểu tượng mới được Vinaphone lựa chọn mang đậm nét văn hóa Việt với hình ảnh nước trong triết lý phương Đông, thể hiện khát vọng “không ngừng vươn xa”.

Hình ảnh thương hiệu mới với ý tưởng “luôn bên bạn dù bạn ở nơi đâu” nhằm mục đích rất rõ ràng là xây dựng mối liên hệ tình cảm thân thuộc với khách hàng.

Nghĩa là khách hàng sẽ được hưởng lợi nhiều hơn nữa từ việc doanh nghiệp viễn thông tham gia cạnh tranh quốc tế?

Khách hàng sẽ được hưởng lợi rất nhiều, cụ thể là giá cước tiếp tục hạ, được hưởng dịch vụ tốt hơn, phong phú hơn và đặc biệt, khách hàng được chăm sóc tốt hơn.

Việc Việt Nam gia nhập WTO liệu có phải là yếu tố chấm dứt sự chậm chễ trong tiến trình cổ phần hóa Vinaphone?

Đó là một trong những động lực mạnh mẽ để chúng ta thực hiện nhiệm vụ này. Việc cổ phần hóa các doanh nghiệp thông tin di động Việt Nam, đặc biệt là các mạng GSM, đang được không ít tập đoàn viễn thông lớn trên thế giới như France Telecom, Telenor, Comvik… quan tâm.

Đây là cơ hội để các doanh nghiệp thông tin di động tìm được đối tác, nhà đầu tư chiến lược phù hợp nhất. Chính phủ đã đồng ý cho phép cổ phần hóa các doanh nghiệp viễn thông, trước mắt là: MobiFone, Vinaphone và Viettel, trong đó MobiFone sẽ là doanh nghiệp cổ phần hóa đầu tiên.

Tuy nhiên, khó khăn là Việt Nam chưa có tiền lệ cổ phần hóa doanh nghiệp thông tin di động nên chưa có kinh nghiệm. Vấn đề định giá tài sản cũng không dễ dàng.

Vinaphone là doanh nghiệp thứ hai thuộc VNPT Group sẽ tiến hành cổ phần hóa. Thời điểm Vinaphone có thể tiến hành cổ phần hóa không sớm hơn năm 2008.

Xin cảm ơn ông.

Lê Nguyễn
Thực hiện

MỚI - NÓNG