Khách hàng thiệt vì…thiếu thông tin

Khách hàng thiệt vì…thiếu thông tin
TPO – Đây là khẳng định của ông Đỗ Gia Phan, Phó Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng VN trong cuộc trao đổi với báo chí sáng nay, 15/3, về những vụ khiếu kiện của người tiêu dùng liên quan đến chất lượng sản phẩm thời gian qua.
Khách hàng thiệt vì…thiếu thông tin ảnh 1
Kiểm tra hàng giả, hàng kém chất lượng. Ảnh minh họa

Thống kê của Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho thấy trong năm 2006 có gần 1.000 vụ khiếu kiện tới Hội bảo vệ người tiêu dùng, trong đó có gần 60% số vụ khiếu kiện liên quan đến vấn đề chất lượng sản phẩm.

Theo ông Phan, hiện nay điểm yếu của người tiêu dùng Việt Nam là chưa nhận thức đầy đủ về quyền và trách nhiệm của mình và đặc biệt là tâm lý ngại lên tiếng, ngại khiếu kiện vì sợ phiền toái đã dẫn đến những vụ việc mà ở đó người tiêu dùng, do thiếu thông tin, nên trở thành những người chịu thiệt thòi nhất.

“Trong bối cảnh mới, người tiêu dùng cần chủ động phát hiện và khiếu nại về các hành vi gây ảnh hưởng đến quyền lợi của mình; phải biết tự bảo vệ mình trong tiêu dùng, nâng cao ý thức về quyền và trách nhiệm của mình và đấu tranh cho quyền và lợi ích hợp pháp đó”- Ông Phan nói.

Nhận xét về những vụ bán hàng giả, hàng kém chất lượng và vi phạm quy định về VSATTP tại các siêu thị trong thời gian qua, mà cụ thể là trường hợp siêu thị Big C bị xử phạt 4 triệu đồng vì bán bánh cuốn có hàn the, ông Phan cho rằng về phía góc độ người tiêu dùng thì việc một siêu thị lớn như vậy bán bánh cuốn chứa hàn the là hành động kinh doanh thiếu trung thực, thiếu đạo đức.

“Là một đơn vị kinh doanh lớn, điều đầu tiên cần lưu ý đó là các thông tin, sản phẩm đưa ra cung cấp cho người tiêu dùng cần được kiểm tra, kiểm soát kỹ lưỡng. Việc kinh doanh bánh cuốn có hàn the gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng là hành động thiếu đạo đức cần lên án”- Ông Phan nói.

Tháng 11, sẽ trình Chính phủ Nghị định mới về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Ông Phan cũng dẫn chứng, hiện có tới 23% các nhãn hiệu hàng hóa đang lưu hàng trên thị trường có vi phạm những quy định về nhãn mác. Cụ thể, khi quảng cáo cho một loại gia vị gà hay bò thì thường các nhà sản xuất cho in luôn hình con gà, con bò trên vỏ các bao. Việc làm này là vi phạm những quy định về nhãn hiệu hàng hóa.

Vấn đề bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng đã được các nước trên thế giới quan tâm từ nhiều năm nay. Ngày 15/3 hàng năm được chọn là Ngày quyền của người tiêu dùng thế giới nhằm nhắc nhở mọi người quan tâm hơn nữa việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Ở nước ta, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang ngày càng trở thành một vấn đề có tính cấp thiết và thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội.

TS Đinh Thị Mỹ Loan, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Thương mại, cho rằng bên cạnh việc người tiêu dùng ở Việt Nam gặp nhiều thiệt thòi do thiếu thông tin cũng có lỗi một phần từ Cục bảo vệ người tiêu dùng do không tuyên truyền đầy đủ đến cho người tiêu dùng biết phải xử lý như thế nào, cần làm những gì khi gặp phải những trường hợp tranh chấp liên quan đến quyền lợi của mình.

Theo bà Loan, vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bên cạnh những lợi ích có được từ một thị trường rộng lớn và cạnh tranh, thì thị trường Việt Nam đang ngày càng xuất hiện nhiều hành vi gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng như buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng...

“Đặc biệt trong thời gian gần đây, nhiều phương thức bán hàng mới như bán hàng qua mạng, qua điện thoại, …cũng đang du nhập vào Việt Nam. Các hành vi vi phạm đến quyền lợi của người tiêu dùng cũng tinh vi và phức tạp hơn, quyền lợi của người tiêu dùng cũng vì vậy mà dễ bị xâm phạm hơn”-Bà Loan cho biết.

Được biết tới đây, Cục Quản lý cạnh tranh sẽ hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đặc biệt, Cục đang triển khai việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định của Chính phủ số 69/2001/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và dự kiến trình Chính phủ vào tháng 11/2007.

MỚI - NÓNG