Khai thác cá ngừ đại dương: Bấp bênh

Khai thác cá ngừ đại dương: Bấp bênh
TP - Việt Nam là nước xuất khẩu cá ngừ lớn thứ 3 thế giới. Tuy nhiên, người dân ào ào ra khơi đánh bắt khiến nguồn lợi thủy sản này bị ảnh hưởng và những chuyến biển của ngư dân lỗ nặng.

> Giá xăng tăng, ngư dân thiệt hại kép
> Ngư dân khó từ bờ ra biển

Chuẩn bị sơ chế cá ngừ đại dương tại Phú Yên. Ảnh: Nguyễn Huy
Chuẩn bị sơ chế cá ngừ đại dương tại Phú Yên. Ảnh: Nguyễn Huy.

Lỗ, nợ

Phú Yên hình thành nghề câu cá ngừ đại dương kiểu mẫu bậc nhất ở miền Trung, là điển hình trong cả nước.

Nhiều năm nay, hấp lực từ những “mùa vàng” cá ngừ đại dương khiến hàng trăm hộ ngư dân đua nhau hướng biển. Tuy nhiên, nay dù đang mùa cao điểm cá ngừ, nhiều tàu thuyền ngư dân nằm bờ, thiếu vốn vươn khơi.

Anh Lê Thanh (37 tuổi, phường 6, TP Tuy Hòa, Phú Yên), ngư dân tàu PY 91972, cho hay: Mỗi chuyến biển được cả tấn cá ngừ, nhưng tàu thu lợi và chia cho bạn chẳng được bao nhiêu. Cả tháng trời bám biển, mỗi bạn tàu chỉ được gần 2 triệu đồng, chưa bằng đi làm phụ hồ.

9 loài cá ngừ đại dương

Theo Tổng cục Thủy sản, hiện xác định 9 loài cá ngừ phân bổ ở vùng biển Việt Nam. Nhóm cá ngừ lớn, phân bố ở vùng biển xa bờ, gồm: cá ngừ mắt to, cá ngừ vây vàng, cá ngừ vây ngực dài, cá ngừ vằn; nhóm cá ngừ nhỏ, phân bổ ở gần bờ: bò, phương đông, chù, ồ, chấm. Trong đó sản lượng khai thác cá ngừ vằn chiếm hơn 90%. Hiện, việc đánh bắt, khai thác cá ngừ bằng 4 nghề chính: câu vàng, câu tay, lưới rê trôi và lưới vây.

Theo tính toán của ngư dân, mỗi tàu ra khơi câu cá ngừ cách bờ từ 400–600 hải lý. Giá xăng dầu, nguyên liệu, lương thực tăng, khiến phí “tổn” mỗi chuyến tàu tăng từ 60 đến 70 triệu đồng/chuyến.

Trong khi đó giá cá quá thấp, bấp bênh. Theo UBND phường 6: Riêng mùa cá ngừ năm ngoái có hơn 80% tàu xa bờ địa phương bị lỗ “chỏng gọng”. Nhiều gia đình ngư dân như ông Bùi Dân, bà Nguyễn Thị Sựng… không dám xuất bến.

Ông Đỗ Rúc (phường 6) vừa phải bán tháo 1 trong 2 chiếc tàu câu cá ngừ để trang trải nợ nần. Hàng chục năm lăn lộn, lênh đênh trên các vùng biển ở Trường Sa, Hoàng Sa, ông Phạm Lời (phường 6), chủ tàu PY 5238 giờ ôm nợ các “cổ đông” góp vốn làm tàu và nợ của đầu nậu 50 triệu đồng. Hiện, cả gia đình ông sống trong ngôi nhà cấp 4 chật hẹp.

Tương tự, chủ tàu Hồ Văn Lưu, ở khu phố Bà Triệu (phường 7, Tuy Hòa) không thể xoay xở ra vốn để “sắm chuyến” cho chuyến đánh bắt sắp tới.

Gần 35 năm gắn bó với biển, năm 2005, ông Lưu đóng mới con tàu 140CV gần 600 triệu đồng, nhưng chuyến biển đầu tiên đã lỗ 70 triệu, đang phải thế chấp nhà lấy 60 triệu đồng trả nợ cho ngân hàng.

So với đa số tàu ở phường 6 và Đông Tác, tàu của ông Lưu thuộc loại lớn, trang thiết bị hiện đại, nhưng đành phải nằm bờ giữa mùa biển.

Hiện ở phường 6 có hơn 70% tàu nợ vốn ngân hàng và nậu, vựa. Ở Đông Tác có đến gần 90% tàu xa bờ nợ vốn cổ đông. Và hiện hầu hết những con tàu vay vốn theo chương trình đánh bắt xa bờ của nhà nước đều bị “mắc cạn” nằm bờ và nợ ngân hàng kéo dài…

Ông Lưu nhận định: Ngư dân thường làm theo phong trào, thấy được thì ồ ạt lao theo mà không có định hướng cụ thể.

Tiền vay ngân hàng tính lãi hàng tháng, năng suất không ổn định nên càng lâm cảnh khó khăn. Điều đáng nói là đa số tàu câu khơi ở Phú Yên còn làm ăn theo kiểu đơn lẻ, chưa liên kết với nhau theo kiểu tập đoàn câu khơi để cùng hỗ trợ về kỹ thuật, về thăm dò ngư trường.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, nhiều tàu thuyền ngư dân tự phát ứng dụng phương thức đánh bắt bằng đèn cao áp, cho sản lượng cá ngừ lớn. Tuy nhiên, chất lượng cá ngừ thấp, thâm đen, không đỏ tươi bằng cách câu truyền thống, giá rẻ hơn.

Chưa xứng tiềm năng

Bình Định và Khánh Hòa cũng là địa phương phát triển mạnh nghề khai thác cá ngừ đại dương.

Tại hội thảo kế hoạch quốc gia quản lý nghề cá ngừ đại dương Việt Nam do Bộ NN&PTNT vừa tổ chức tại Đà Nẵng, Tổng cục Thủy sản thống kê: Ước tính trữ lượng đánh bắt cá ngừ đại dương của nước ta đạt khoảng 665.000 tấn, và khả năng khai thác bền vững khoảng 233.000 tấn, được coi như nghề khai thác xa bờ chủ lực của ngành thủy sản.

Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho biết: Hiện số lượng tàu khai thác cá ngừ đại dương của 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa khoảng gần 2.500 chiếc, trong đó gần một nửa là tàu câu vàng.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), cá ngừ đại dương khai thác từ vùng biển Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu.

Việt Nam hiện là nước xuất khẩu cá ngừ lớn thứ 3 thế giới, ra gần 100 thị trường nước ngoài, với giá trị kim ngạch xuất khẩu hơn 400 triệu USD (chiếm hơn 6% kim ngạch xuất khẩu thủy sản).

Từ năm 2006 đến nay, khối lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu cá ngừ Việt Nam luôn tăng.

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cảnh báo: Phần lớn tàu thuyền khai thác cá ngừ có công suất thấp, quy mô nhỏ lẻ. Chỉ riêng nghề câu vàng cá ngừ đại dương, trong tổng số hơn 700 tàu thuyền, chỉ có hơn 50 tàu đạt công suất trên 400CV, còn lại phổ biến dưới 250CV…

Tổng cục Thủy sản cũng cho rằng việc quản lý nguồn cá ngừ đại dương ở vùng biển nước ta chưa được quan tâm đúng mức, vẫn “chung chung” như quản lý các nguồn lợi thủy sản khác.

Đặc biệt, các ngành chức năng chưa đánh giá được biến động, phân bổ nguồn lợi, kiểm soát được cường lực khai thác và sản lượng đánh bắt của tàu thuyền, ngư dân, còn tình trạng khai thác tự do…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.