Khai thác thủy sản ven bờ theo hướng hiệu quả và bền vững

Khai thác thủy sản ven bờ theo hướng hiệu quả và bền vững
TP - Huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau) có diện tích tự nhiên hơn 73.224 ha với chiều dài bờ biển gần 98 km. Huyện có 3 loại hình sản xuất cơ bản gồm: nông - lâm nghiệp, khai thác đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.
Khai thác thủy sản ven bờ theo hướng hiệu quả và bền vững ảnh 1

Bể sinh sản nhân tạo và ương nuôi tôm sú giống tại Trại nghiên cứu thực nghiệm giống thủy sản nước lợ Rạch Gốc - Tân Ân, huyện Ngọc Hiển. Ảnh: Huy Hải

Từ nay đến năm 2010 và những năm tiếp sau, huyện Ngọc Hiển tập trung phát triển khai thác thủy sản ven bờ theo hướng hiệu quả và bền vững gắn với bảo vệ, tái tạo nguồn lợi tự nhiên vốn đang suy kiệt nghiêm trọng.

Huyện Ngọc Hiển sắp xếp lại nghề khai thác thủy sản ven bờ hợp lý và bền vững trên cơ sở tính toán lại cường độ khai thác đảm bảo cho nghề cá vừa đạt hiệu quả kinh tế, vừa khôi phục được nguồn lợi thủy sản; chuyển đổi công nghệ khai thác gắn với loại bỏ những nghề có ảnh hưởng xấu, bất lợi đến nguồn lợi thủy sản như: giảm phương tiện đánh bắt công suất nhỏ gần bờ, thực hiện khai thác đánh bắt theo mùa vụ, cấm khai thác vào mùa tôm cá sinh sản, chuyển từ đóng đáy, cào, te sang làm nghề lưới rê, lưới tôm, lưới cá...

Cụ thể như mô hình đánh bắt lưới cá lẹp, cá chét đã được kiểm nghiệm trên thực tế ngư trường. Theo tính toán của ngư dân, với tổng vốn đầu tư sản xuất cố định khoảng 26 triệu đồng/phương tiện; doanh thu bình quân hơn 164 triệu đồng/năm, sau khi trừ các khoản chi phí còn lợi nhuận hơn 64 triệu đồng.

Mô hình này vừa thân thiện với môi trường trong hoạt động khai thác đánh bắt, giảm rủi ro cho ngư dân, vừa giảm đi tình trạng sát hại nguồn lợi thủy sản.

Song song đó, khi giải quyết tốt vấn đề khai thác đánh bắt thủy sản ven bờ, Ngọc Hiển sẽ có thêm điều kiện thuận lợi phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển, ven sông và các cụm đảo.

Cụ thể là trên bãi triều vùng bãi bồi biển Tây Ngọc Hiển rộng 240 km2, trong đó khu vực đủ điều kiện nuôi sò huyết đạt hiệu quả hơn 5.000 ha; trên bãi triều Khai Long phía Đông Ngọc Hiển thuộc xã Đất Mũi rộng khoảng 3.000 ha đủ điều kiện để nuôi nghêu và có khả năng đạt sản lượng 10 tấn/ha/năm.

Huyện Ngọc Hiển bước đầu đã nuôi thành công hàu đơn cho vào lồng treo trên bè có khả năng cho sản lượng 40 tấn sản phẩm/năm. Với điều kiện mặt nước sông rạch, vùng ven biển như hiện nay cho phép Ngọc Hiển phát triển nuôi hàu, cá lồng, bè và nhiều loài thủy sản khác.

Trước mắt, huyện Ngọc Hiển kết hợp với các ngành chức năng, liên kết với các Viện, trường chuyên ngành xây dựng kế hoạch, chuyển giao công nghệ sản xuất khai thác thủy sản ven bờ gắn với có chính sách khuyến khích đối với những mô hình ứng dụng thành công khoa học kỹ thuật vào thực tế, sản xuất đạt kết quả.

Huyện tăng cường công tác tập huấn khuyến ngư cho ngư dân kết hợp với đánh giá và phát triển nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, tổ chức trình diễn, hội thảo, tổng kết và rút kinh nghiệm để ngư dân học tập, bổ sung kiến thức vào thực tế sản xuất; huy động các nguồn lực đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước, vốn tín dụng, vốn các thành phần kinh tế, vốn trong dân...

Huyện tổ chức thực hiện tốt mối liên kết “4 nhà” gồm: nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - Nhà nước nhằm gắn kết trong sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

MỚI - NÓNG