Khaisilk bán hàng nhập nhèm xuất xứ, có thể xử lý tội gì?

Vụ việc thương hiệu Khaisilk bán hàng "Made in China" khiến dư luận bất bình và phẫn nộ.
Vụ việc thương hiệu Khaisilk bán hàng "Made in China" khiến dư luận bất bình và phẫn nộ.
TPO - Theo ý kiến của luật sư, việc bán khăn lụa nhập nhèm xuất xứ cũng như việc thừa nhận 50% hàng từ Trung Quốc của Khaisilk, chưa thể quy vào tội lừa đảo nhưng có thể xem đó là hành vi quảng cáo gian dối hoặc lừa dối khách hàng.

Mới đây, ông chủ tập đoàn Khaisilk là Hoàng Khải đã chính thức lên tiếng thừa nhận thương hiệu Khaisilk có bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc, và cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng. Điều này khiến nhiều khách hàng vô cùng bất bình khi cho rằng bị lừa trong suốt nhiều năm nay.

Bạn đọc Duy Khương bức xúc: “Cái này rõ ràng là lừa dối khách hàng. Giờ còn đổ lỗi tại tơ lụa Việt Nam kém chất lượng. Công nhận là tơ lụa Trung Quốc đa dạng mẫu mã, tuy nhiên tơ lụa Việt Nam cũng nổi tiếng thế giới với đặc trưng riêng”.

“Đáng ra là một doanh nghiệp lớn, một doanh nhân tên tuổi, ông phải đầu tư để phát triển ngành lụa tơ tằm truyền thống của Việt Nam chứ. Đằng này vì thiếu nguồn hàng mà lại đi nhập hàng nước ngoài. Chúng tôi ủng hộ hàng lụa tơ tằm của Việt Nam mới mua sản phẩm của ông dù nó đắt hơn nhiều hàng cùng loại của Trung Quốc. Nhưng chúng tôi đã bị lừa”- tài khoản có tên Chi Nguyễn bày tỏ sự thất vọng.

Một người khác phân tích: “Anh Khải, dưới trời này, không ai lừa đảo qua nổi anh rồi đó! Lừa đảo suốt 30 năm, trên một quy mô lớn với thủ đoạn tinh vi không ai phát hiện được. Và lừa đảo cả thế giới chứ không chỉ dân Việt Nam - là những gì thể hiện trong lời "tự thú" của anh ấy, mới đây. Thưa anh Khải, trong lời xin lỗi, anh, dù rất khéo léo và cáo già, nhưng chính anh lòi đuôi cáo ra nhiều nhất: Anh đã thừa nhận hàng Khải Silk "nhập từ Trung Quốc", chứ không phải là hàng Khai Silk "gia công ở Trung Quốc". Hai vị thế khác nhau hoàn toàn, thưa anh. Các hãng lớn họ gia công từ Trung Quốc nhưng đó chỉ là mướn về mặt nhân công. Còn anh là mua hàng dạt của Trung Quốc về gắn mác, lừa bịp khách hàng. Vậy mà anh còn ngửa cổ ra cố mà giải thích, anh cho tôi xin lạy anh ngàn cái! Anh đưa các thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới ra so sánh, anh có biết ... không? Họ gia công ở Trung Quốc, tức là họ sản xuất hàng thật của họ chứ đâu mua hàng đểu về gắn mác ra bán? Anh có thấy Gucci ra Sai Gon square mua hàng hay chợ Bến Thành mua hàng về bán không anh? Mặc dù ở đó, người ta bán "Gucci Quảng Châu" nhiều vô kể. Thẳng toẹt ra là anh bán hàng giả. Anh bán mấy chục năm nay, anh lừa hết bao nhiêu người rồi”.

Trước động thái thừa nhận bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc của ông Hoàng Khải, nhiều người cho rằng đó là hành vi lừa đảo và cần xử lý nghiêm.

Trao đổi với PV Tiền Phong, luật sư Nguyễn Mạnh Thuật (Giám đốc Công ty, Chủ tịch SEALAW Group) cho biết, thứ nhất, cần làm rõ việc bán hàng đó có sự "thống nhất" của chủ Nhãn hiệu, của Giám đốc doanh nghiệp, của chủ Cửa hàng hay chỉ duy nhất của cá nhân nhân viên bán hàng.

Thứ hai, tại sao đã lâu không ai biết Khaisilk nhập hàng Trung Quốc (nếu nhập khẩu chính thức sẽ buộc phải kê khai thuế)? liệu có phải là "hàng nhập lậu" vừa để trốn thuế vừa để che dấu không cho ai biết họ bán hàng Trung Quốc? Cơ quan chức năng cần phải xem xét, làm rõ hành vi, mức độ thiệt hại để có biện pháp xử lý thích hợp. 

Thứ ba, nếu việc "đánh tráo" xuất xứ hàng hoá với số lượng lớn, thời gian dài, thu lợi lớn thì có thể có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự - tội "lừa dối khách hàng" Điều 162 BLHS. Tuy nhiên, cần xác định chính xác chủ thể tội phạm như phần 1 trên.

Luật sư Nguyễn Bá Sơn, Trưởng VPLS Phidenson Việt Nam cho rằng, chưa thể quy hành vi bán hàng xuất xứ Trung Quốc của Khaisilk vào tội lừa đảo vì cần xem xét nhiều khía cạnh liên quan khác. Tuy nhiên, tạm thời có thể xem đó là hành vi quảng cáo gian dối hoặc lừa dối khách hàng.

ĐIỀU 162 - Bộ luật Hình sự: TỘI LỪA DỐI KHÁCH HÀNG

1. Người nào trong việc mua, bán mà cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2. Phạm tội nhiều lần hoặc thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

PHÂN TÍCH BÌNH LUẬN ĐIỀU LUẬT

1. Khái niệm

Lừa dối khách hàng được hiểu là hành vi mua bán mà cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác đối với khách hàng để thu lợi bất chính.

2. Các yếu tố cấu thành tội lừa dối khách hàng

2.1. Mặt khách quan.

Mặt khách quan của tội lừa dối khách hàng có các dấu hiệu sau:

a) Về hành vi.

Có hành vi cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác trong việc mua bán.

- Cân, đong, đo, đếm, tính gian, được hiểu là cân đong đo đếm tính toán không chính xác, không đúng (ít thì tính nhiều hoặc ngược lại) với số lượng, trọng lượng, khối lượng, kích thước thực tế của từng loại hàng trong việc mua bán làm thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng.

- Đánh tráo hàng, được hiểu là việc khi giao nhận hàng đã thực hiện không đúng về chất lượng, chủng loại theo thỏa thuận (ví dụ: đổi mặt hàng này lấy mặt hàng tương tự khác nhưng kém chất lượng hơn, giá thấp hơn so với loại hàng đã thỏa thuận) làm thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng.

- Thủ đoạn gian dối khác trong việc mua bán, được hiểu là những thủ đoạn làm cho khách hàng bị nhầm lẫn tưởng là mình đã nhận đúng, mua đúng loại hàng với chất lượng như thỏa thuận ban đầu (như giả vờ ghi sai số lượng, giá cả, chủng loại hàng trong hợp đồng nếu bị phát hiện thì cho là do sơ xuất...).

b) Dấu hiệu khác.

Các hành vi như trên phải gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi lừa dối khách hàng hoặc đã bị kết án về tội lừa dối khách hàng nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm (tức lại có hành vi lừa dối khách hàng) thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là các dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.

2.2. Mặt khách thể.

Hành vi phạm tội nêu trên xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng (khách hàng).

2.3. Mặt chủ quan.

Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý (mục đích là nhằm để thu lợi bất chính).

2.4. Mặt chủ thể.

Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.

3. Về hình phạt

Mức hình phạt của tội danh này được chia thành hai khung, cụ thể như sau:

a) Khung một (khoản 1).

Có mức hình phạt là phạt cảnh cáo, phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. Được áp dụng đối với trường hợp phạm tội có đủ các dấu hiệu cấu thành cơ bản nêu ở mặt khách quan.

b) Khung hai (khoản 2).

Có mức phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Được áp dụng trong trường hợp phạm tội nhiều lần hoặc thu lợi bất chính lớn.

4. Hình phạt bổ sung (khoản 3)

Ngoài việc phải chịu một trong các hình phạt chính nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng (chỉ áp dụng trong trường hợp hình phạt chính được áp dụng không phải là phạt tiền). 

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.