Khaisilk trục lợi trên thương hiệu Việt: Sau chỉ đạo là gì?

Khaisilk trục lợi trên thương hiệu Việt: Sau chỉ đạo là gì?
TP - Sau những ngày ầm ĩ với đủ thông tin và chỉ đạo gần như tức thời của lãnh đạo Bộ Công Thương về việc doanh nhân Hoàng Khải với thương hiệu Khaisilk trục lợi trên thương hiệu Việt, ngày 28/10, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội có báo cáo gửi Cục Quản lý thị trường,Bộ Công Thương kết quả kiểm tra cửa hàng Khaisilk số 113 Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm).

Theo báo cáo, cửa hàng 113 Hàng Gai do bà Nguyễn Thị Thu Nga là chủ hộ kinh doanh, có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ cá thể do UBND quận Hoàn Kiếm cấp. Tại thời điểm kiểm tra, bà Nguyễn Thị Thu Nga thừa nhận, cửa hàng chuyên kinh doanh các mặt hàng lụa tơ tằm do Việt Nam sản xuất.

Tuy nhiên, do sơ suất trong quản lý, trước nhu cầu hàng hóa tăng đột biến vào dịp 20/10, nhân viên cửa hàng đã tự ý mua sản phẩm khăn lụa tơ tằm trên thị trường về cắt bỏ nhãn gốc Made in China sau đó khâu nhãn Khaisilk Made in Việt Nam để bán. Tổng số hàng hóa cơ sở đã mua về và thay nhãn là 60 chiếc, đã bán 4 chiếc, còn tồn 56 chiếc. Giá niêm yết sản phẩm là 644.000 đồng/chiếc, tổng giá trị hàng hóa vi phạm là hơn 36 triệu đồng.

Báo cáo ngắn gọn của quản lý thị trường Hà Nội với đủ thông tin về cuộc kiểm tra dường như đã đáp ứng mọi yêu cầu như chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh về việc Quản lý thị trường và Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra, làm rõ và báo cáo các thông tin về việc Khaisilk bán lụa Made in China đội lốt Made in Viet Nam trước ngày 28/10.

Câu hỏi được nhiều người quan tâm: Vì sao Quản lý thị trường chỉ kiểm tra mỗi một cửa hàng của Khaisilk ở Hà Nội? Các cửa hàng khác tại những resort, khách sạn 5 sao và cả ở “cứ địa” của Khaisilk ở TPHCM sao không đồng loạt kiểm tra? Doanh nhân Hoàng Khải đã thừa nhận bán lụa Trung Quốc gắn mác “made in Việt Nam” từ năm 90 vậy Bộ Công Thương có các động thái tiếp theo sau khi đích thân lãnh đạo bộ này cũng cho rằng doanh nghiệp có hành vi lừa dối người tiêu dùng, sử dụng hàng hóa có xuất xứ không đúng với thông tin về sản phẩm, thương hiệu sản phẩm?...

Ở các nước, lừa dối người tiêu dùng là một trong những hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật và bị trừng phạt rất nặng. Doanh nghiệp bị trừng phạt đến mức độ phá sản, chủ doanh nghiệp phải chịu án tù đã được ghi nhận. Với trường hợp Khaisilk, cẽ cần nhiều chứng cứ pháp lý, việc làm cụ thể hơn nữa của Bộ Công Thương, quản lý thị trường cũng như các cơ quan chức năng khác trước khi có thể đưa ra “lệnh trừng phạt” đối với doanh nhân Hoàng Khải cũng như hệ thống Khaisilk.

Việc làm rõ cả trách nhiệm của quản lý thị trường trong việc hàng chục năm không hề hay biết (?!) hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt được bán ở hệ thống Khaisilk cũng như trong nhiều lĩnh vực khác cũng sẽ là áp lực với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trong việc xử lý những “tồn tại hệ thống”, những vấn đề tai tiếng của ngành công thương mà ông đang nỗ lực làm hình ảnh và xây dựng lại thời gian gần đây.

Chỉ khi nào, mọi chuyện được làm sáng tỏ, hành vi lừa đảo người tiêu dùng của Khaisilk bị trừng phạt, chỉ khi đó, lòng tin về sự minh bạch, về sự nghiêm minh của pháp luật mới được vớt vát phần nào. Đây sẽ nhiệm vụ không dễ với Bộ Công Thương cũng như các cơ quan liên quan tại thời điểm này khi hàng triệu người dân đều đang chờ kết quả xử lý được đưa ra và hy vọng không bị lặp lại “vấn đề” như “vụ nước mắm” của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng trước đây.

MỚI - NÓNG