Khẩn cấp ứng phó thời tiết nguy hiểm dồn về rốn lũ miền Trung

Mưa lớn liên tục làm ảnh hưởng đến công tác tìm kiếm cứu nạn ở thuỷ điện Rào Trăng 3 (Ảnh: TN)
Mưa lớn liên tục làm ảnh hưởng đến công tác tìm kiếm cứu nạn ở thuỷ điện Rào Trăng 3 (Ảnh: TN)
TPO - Ngày 17/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, yêu cầu các địa phương từ Nghệ An đến Quảng Nam, cần sẵn sàng phương án ứng phó mưa lới có thể gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở, mất an toàn hồ chứa.

Những ngày qua, các địa phương khu vực miền Trung liên tiếp xảy ra mưa lũ lớn kéo dài, đặc biệt tại Thừa Thiên- Huế và Quảng Trị; nhiều khu vực đã xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, chia cắt giao thông. 

 Theo dự báo, khu vực này tiếp tục có mưa lớn trong những ngày tới, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt sâu trở lại và mất an toàn các hồ đập, nhất là hồ đập nhỏ, xung yếu.

 Để chủ động ứng phó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các bộ ngành, địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. 

 Rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập, khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết. Tổ chức giám sát, vận hành an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, hồ đập đã đầy nước. 

 Bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện kịp thời triển khai cứu hộ, cứu nạn và khắc phục sự cố đê điều, hồ đập, sạt lở... Tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ năng bảo đảm an toàn, hạn chế rủi ro trong mưa lũ.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT thoe dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về diễn biến mưa lũ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để các cơ quan có liên quan và người dân biết chủ động chỉ đạo, triển khai ứng phó.

Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương phối hợp với các địa phương chỉ đạo vận hành hồ đập thủy lợi, thủy điện bảo đảm an toàn công trình và hạ du, lưu ý vận hành các hồ đập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế bảo đảm an toàn, hạn chế ngập lụt trong ngày 18/10…

Trong khi đó, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, ngày 17/10, ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên- Huế có mưa đặc biệt to với lượng mưa từ 19 giờ ngày 16/10 đến 13 giờ ngày 17/10 phổ biến từ 150-350 mm, có nơi lớn hơn như: Minh Hóa (Quảng Bình) 452 mm, Trường Sơn (Quảng Bình) 450 mm, Hướng Linh (Quảng Trị) 667,8mm, Khe Sanh (Quảng Trị) 502 mm…Các nơi khác ở Trung Bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 40-90 mm. 

Dự báo, từ do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới, từ nay đến ngày 21/10 ở Trung Bộ tiếp tục có mưa to đến rất to, riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có khả năng mưa đặc biệt to.

 Tổng lượng mưa từ chiều 17/10 đến ngày 21/10 ở Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị phổ biến 400-600 mm, có nơi trên 700 mm. 

 Ở Nghệ An, Thừa Thiên Huế phổ biến 200-350 mm, có nơi trên 400 mm; ở Đà Nẵng, Quảng Nam phổ biến 150-250 mm, có nơi trên 300 mm; từ Quảng Ngãi đến Phú Yên phổ biến 80-150 mm, có nơi trên 150 mm.

 Đêm nay và ngày mai (18/10) ở Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 70-120 mm, có nơi trên 150 mm.

Sau ngày 21/10, ở các tỉnh Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ còn có khả năng xảy ra mưa lớn kéo dài.

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, mưa lớn dồn dập đã ảnh hưởng đến công tác tìm kiếm cứu nạn ở thuỷ điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên-Huế). Đến ngày 17/10, mưa lũ ở miền Trung, Tây Nguyên đã làm 60 người chết, 4 người mất tích. Ngoài ra, hoàn lưu của bão số 7 cũng làm 2 người chết (Hoà Bình) và một người mất tích (Yên Bái).

MỚI - NÓNG