Khát vốn!

Khát vốn!
TP - Ông Cao Viết Sinh, Thứ trưởng Bộ KH & ĐT nhận định nhu cầu vốn là rất lớn, nhất là trong điều kiện nền kinh tế nước ta đang phát triển nhanh, mạnh. Vì thế, việc thu hút vốn trong và ngoài nước phải được ưu tiên hàng đầu.

Ngày 28/11, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ tài chính và dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2008. Cũng như những năm trước, đại diện nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn kêu thiếu vốn trước yêu cầu phát triển.

Ông Cao Viết Sinh, Thứ trưởng Bộ KH & ĐT nhận định nhu cầu vốn là rất lớn, nhất là trong điều kiện nền kinh tế nước ta đang phát triển nhanh, mạnh. Vì thế, việc thu hút vốn trong và ngoài nước phải được ưu tiên hàng đầu.

Ông Sinh nói: “Có những Bộ như NN & PTNT, GTVT mới chỉ cân đối được 5% vốn ngân sách theo nhu cầu là quá thấp. Các ngành GD&ĐT, Y tế cũng cần lượng vốn khổng lồ để cải cách, phát triển. Nhưng khả năng cân đối vốn như hiện nay sẽ gây không ít khó khăn cho chính những ngành này và cho cả sự phát triển chung của đất nước”.

Tán thành với ý kiến trên, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM chỉ ra nhiều bất cập khác. Theo bà Hồng, mỗi năm TPHCM cần chi tới khoảng 12.000 tỷ đồng từ ngân sách. “Nhưng khi chúng tôi trình Bộ Tài chính thì không được chấp nhận. Thực ra đó là nhu cầu cần thiết thực sự của địa phương”.

Cũng theo bà Hồng, vừa qua Chính phủ quyết định bãi bỏ một số loại phí và lệ phí cho người dân nhưng nảy sinh nhiều vấn đề. Trước đây có 180 loại phí và 130 loại lệ phí. Sau khi rà soát lại theo chỉ đạo của Chính phủ  hiện nay còn 147 phí và 118 lệ phí.

“Tuy nhiên, bất cập là ở chỗ: Tỷ lệ trích lại từ số tiền thu phí và lệ phí cho địa phương tại 64 tỉnh, thành là như nhau nhưng nhu cầu các địa phương lại khác nhau. Thế nên có địa phương hết năm vẫn chưa chi hết tiền, có địa phương lại thiếu trầm trọng”- Bà Hồng nói.

Huy động thêm từ trái phiếu Chính phủ, vốn ODA

Vốn  dành cho các bộ, ngành vẫn là vấn đề nóng và điệp khúc “thiếu tiền” lại tiếp tục lặp lại. Thứ trưởng Bộ GD & ĐT Bành Tiến Long sau khi kể ra 20 chương trình hành động lớn của ngành trong thời gian tới cũng “kêu” thiếu vốn.

Chương trình xây nhà ở cho giáo viên, học sinh cần 16.000 tỷ đồng, riêng trong năm 2008 cần 6.000 - 8.000 tỷ đồng; Chương trình xây chỗ ở KTX cho sinh viên cần 4.500 tỷ đồng; Dự án đào tạo 20.000 tiến sỹ giai đoạn từ nay đến 2020 cũng cần số tiền không nhỏ…

Nhìn từ một địa phương, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam bức xúc: “Vừa qua, bão lụt liên tục tàn phá chúng tôi. Chính phủ chỉ đạo sống chung với lũ lụt nhưng phải có các nguồn vốn để hỗ trợ địa phương, nhất là người dân, đối chọi với thiên tai. Chứ nếu không có vốn để nâng cấp hạ tầng, đầu tư công trình thì khó mà sống chung với lũ lắm!”.

Ông Phạm Văn Đấu, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long bức xúc: “Nhiều khoản chi T.Ư đề ra cho địa phương thực hiện (như hỗ trợ các hội Chữ thập đỏ, Người cao tuổi…) nhưng lại không cấp tiền, mỗi năm cũng mất số tiền lớn.

Việc bãi bỏ các khoản phí và lệ phí là cần thiết nhưng phải có ngân sách bù đắp, nếu không địa phương bù ra sao. Tỉnh nhỏ và nghèo như Vĩnh Long thì con số vài chục tỷ cũng là không nhỏ”.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh nói: “Năm 2008 sẽ thực hiện quyết liệt việc thu chi ngân sách, trong đó đặc biệt đẩy mạnh việc quản lý thuế theo luật; rà soát lại các văn bản liên quan phí và lệ phí; thực hiện cơ cấu thu chi ngân sách hợp lý; giải ngân đúng tiến độ nguồn vốn đầu tư”.

Về nhu cầu vốn, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định sẽ tiếp tục huy động vốn bằng các nguồn như phát hành trái phiếu Chính phủ, vốn ODA…

MỚI - NÓNG