Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN

Khát vọng trở thành quốc gia thịnh vượng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Kinh doanh Việt Nam Ảnh: Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Kinh doanh Việt Nam Ảnh: Quang Hiếu
TP - “Việt Nam không đặt tham vọng trở thành người giỏi nhất trong toàn cầu hóa nhưng Việt Nam muốn là bạn của những người giỏi nhất. Việt Nam có đủ tự tin để làm điều đó. Ðồng thời Việt Nam có khát vọng trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam chiều 13/9.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018 là cơ hội để các nhà đầu tư quốc tế, các doanh nghiệp ASEAN cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cùng kết nối và sáng tạo để mở ra cơ hội hợp tác mới trong niềm tin hứng khởi và lan tỏa của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

WEF ASEAN diễn ra trong bối cảnh thương mại thế giới đang đứng trước nhiều thử thách, trong đó có sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ và chiến tranh thương mại, có nguy cơ làm xói mòn niềm tin vào xu thế tự do hóa, đe dọa thể chế thương mại song phương, đa phương. Tuy nhiên, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, niềm tin, sự lạc quan là xu thế tất yếu của toàn cầu hóa.  Ông nói, Việt Nam luôn nhất quán đề cao lợi ích của thương mại tự do và nhận thức rõ các cơ hội hợp tác với dòng chảy chính là hòa bình, hợp tác và toàn cầu hóa.

Nhìn thẳng vào sự thật

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thay vì dẫn ra một số thành tựu mà ai cũng biết, nên bắt đầu bằng một số thực trạng mà Việt Nam cho là chưa đạt kỳ vọng để suy nghĩ và hành động quyết liệt hơn. Việt Nam hiện đã tham gia khá rộng vào nhiều chuỗi giá trị toàn cầu nhưng còn rất nhiều việc phải làm. Tỷ trọng giá trị gia tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng của thế giới chưa tương xứng với mục tiêu và tiềm năng.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tham gia chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu ở những khâu đơn giản, giá trị gia tăng không cao và thiếu bền vững. Thủ tướng nói “phải nhìn thẳng vào sự thật” khi giá trị sản phẩm được các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mua từ các nhà chế biến, chế tạo trong nước hiện mới chỉ đạt chưa tới 27% tổng giá trị đầu vào, phần còn lại là mua từ doanh nghiệp FDI khác hoặc nhập khẩu. 

“Có thể nói, giờ đây khi đứng ở Việt Nam các bạn có thể tìm thấy cơ hội tiếp cận hầu hết các thị trường lớn của thế giới. Với thị trường ASEAN, Việt Nam đóng vai trò cửa ngõ quan trọng bậc nhất, đồng thời Việt Nam có vị trí địa chiến lược tối ưu cho chuỗi cung ứng của thế giới mà không phải quốc gia nào cũng có được”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Trước thực trạng này, Việt Nam đặt mục tiêu nâng cấp và dịch chuyển lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường sự liên kết của doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI. “Về phía doanh nghiệp Việt Nam, chúng tôi xác định phải tự nâng cấp mình, cải thiện năng lực quản trị và độ tinh thông trong hoạt động. Thay đổi các giá trị và tầm nhìn dài hạn. Chính phủ cam kết đóng vai trò kiến tạo phát triển, đồng hành trong toàn bộ tiến trình”, Thủ tướng nói.

Bạn của những người giỏi nhất

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn các tập đoàn quốc tế, các doanh nghiệp FDI cởi mở hơn trong chính sách cung ứng, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam không đặt tham vọng trở thành người giỏi nhất trong tiến trình toàn cầu hóa nhưng muốn là bạn của những người giỏi nhất. “Việt Nam có đủ tự tin để làm điều đó. Đồng thời Việt Nam có khát vọng trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng. Đó là khát vọng mãnh liệt không thua kém bất kỳ quốc gia nào trên thế giới”, Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng dẫn nhiều số liệu phân tích về tình hình tăng trưởng kinh tế nhanh, ổn định của Việt Nam, việc các tổ chức quốc tế đánh giá cao năng lực cạnh tranh, tính ổn định của môi trường kinh doanh, sự thông thoáng về thủ tục đầu tư kinh doanh...“Tôi cũng nói một ý, bên cạnh sự thông thoáng, thu hút phát triển chúng ta còn thấy ở đâu đó, còn một số ngành, một số địa phương còn gây khó cho doanh nghiệp. Còn cản trở thương mại, đầu tư phát triển. Cái này phải khắc phục nghiêm túc để tạo nên sự thông thoáng tốt hơn, đúng pháp luật hơn”, Thủ tướng nói.

Một hội nghị thành công nhất

Tại cuộc họp báo sau bế mạc WEF ASEAN 2018, Chủ tịch WEF Borger Brende và Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Trưởng ban Tổ chức WEF ASEAN 2018 đã thông tin về những kết quả đạt được sau hai ngày hội nghị diễn ra tại Hà Nội vừa qua.

Chủ tịch Borger Brende nhận định, Hội nghị lần này rất có ý nghĩa. Nhiều doanh nghiệp toàn cầu đã đến Việt Nam và coi Việt Nam là điểm đến đầu tư tuyệt vời. Ông Brende nói: “ Tôi hài lòng khi có được kết quả hợp tác như vậy giữa WEF và Việt Nam, cũng như thành công của hội nghị”.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, hội nghị đã thành công trên tất cả mọi mặt từ nội dung, tuyên truyền thông tin, công tác lễ tân, an ninh, y tế, hậu cần. Giáo sư Klaus Schwab, người sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF nhận xét, đây là hội nghị thành công nhất trong lịch sử 27 tổ chức diễn đàn ASEAN tại Ðông  Á.

Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, các nội dung của hội nghị phù hợp với các nước ASEAN và Việt Nam trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 buộc các nước phải vươn lên nếu không muốn bị tụt hậu.

Hội nghị đã thu hút sự tham gia của 9 lãnh đạo cao nhất của Ðông Nam Á và ngoài khu vực và  trên 1.000 doanh nghiệp hàng đầu thế giới, thành viên của WEF. Một điều khác biệt nữa là lần đầu tiên hội nghị cũng có sự tham dự của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.  Tất cả các thành viên chính phủ bao gồm thủ tướng,  các phó thủ tướng và  7 vị bộ trưởng tích cực tham gia các phiên thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam và học hỏi kinh nghiệm từ các nước trong khu vực trước việc tự cường trong thời đại 4.0. 

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cung cấp lại thông tin mà người sáng lập WEF Klaus Schwab đã thông tin với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tính đến trưa 13/9 đã có 7.890 bài viết đưa tin về WEF ASEAN  2018, so với WEF 2017 chỉ hơn 2.000 bài viết; có 7 triệu lượt người tham gia tương tác trên mạng  xã hội  về WEF ASEAN 2018; có 13.000 lượt bài viết hoặc comment  trên Facebook; 90.000 người xem trực tuyến về các phiên thảo luận.

L.A

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.