Khi các giám đốc dược sắm vai “trình dược viên”

Khi các giám đốc dược sắm vai “trình dược viên”
Hiếm hội nghị nào nhường hầu như toàn bộ diễn đàn cho giám đốc doanh nghiệp dược nội thuyết trình với các giám đốc bệnh viện -nhóm khách hàng tiêu thụ thuốc lớn nhất.
Khi các giám đốc dược sắm vai “trình dược viên” ảnh 1
Một cửa hàng bán thuốc ở phố Bà Triệu - Hà Nội

Đó là cuộc gặp ở Hà Nội, ngày 26/3. Cũng gần như là lần đầu tiên, lãnh đạo Bộ Y tế chỉ lệnh tức thì cho hai bên bán và mua những việc cần làm ngay nhằm mở hơn nữa cổng bệnh viện cho thuốc nội len vào.

Từ con chim đầu đàn

Không mấy ai biết “con chim đầu đàn” Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương I (Pharbaco) có tới 100 mặt hàng công nghệ cao trải từ kháng sinh, vitamin, đến thuốc tim mạch, chống sốt rét, chống lao dưới đủ dạng, từ viên nang, viên nén, bao, cho đến hỗn dịch, thuốc tiêm bột, rồi tiêm dung dịch.

5 dây chuyền hiện đại chế ra những thứ ấy hiệu quả đến mức quốc tế đồng ý rót cho Pharbaco 23 triệu USD để làm xong một nhà máy thuốc vào cuối năm 2005. Tỷ dụ về dây chuyển xử lý nước trong nhà máy đạt GMP-WHO, một trong những tiêu chuẩn cao nhất thế giới về dược, cả Đông Nam Á 11 nước, chỉ Indonesia và Thailand có.

Đến cả “đàn chim” dược

Bảy doanh nghiệp dược nội khác được phép lên diễn đàn trần tình và mời giám đốc các bệnh viện về thăm trụ sở ngay chiều cùng ngày có thể xem là những gương mặt sáng giá khác của cả “đàn chim” dược tổng cộng hơn 400 doanh nghiệp chiếm khoảng 44% thị phần dược hiện nay. Tiếc là ban tổ chức chỉ cho BV Việt Đức lên “chất vấn” thuốc nội.

Dẫu sao, sự thẳng thắn của tân giám đốc BV Việt Đức cũng giúp vỡ nhẽ phần nào cái gì khiến thuốc nội vào bệnh viện nhiều hay ít. Là bệnh viện ngoại lớn nhất miền Bắc, Việt Đức chỉ cần ba nhóm thuốc là gây mê và hồi sức ngoại, kháng sinh, và dịch truyền. Song nhu cầu ở đó lớn đến mức chỉ cần nửa lượng thuốc tiêu thụ hàng năm trị giá hàng chục tỷ, hàng chục nhà sản xuất thuốc nội có thể “thừa sống”.

Giám đốc Nguyễn Tiến Quyết kể chỉ với thuốc tiêm bột Cefotaxim của Pharbaco mà Việt Đức xài từ 4-5 năm nay cũng tiết kiệm cho bệnh nhân nhiều lắm. “10 lọ thuốc kháng sinh 120.000đ cả thảy mà bệnh nhân khỏi bệnh cùng các can thiệp khác là quá rẻ chứ còn gì” - TS Quyết quyết liệt.

Năm 2004, Việt Đức mua từ Pharbaco hơn 205.000 lọ Cefotaxim đã hơn 2 tỷ bạc rồi. Cùng năm, trong tổng 212 loại thuốc Việt Đức mua về, có 43 loại thuốc nội, chiếm trên 20%. Năm nay phấn đấu mua 54 loại thuốc nội, trên 30%, trong số 177 loại thuốc định nhập.

Nhưng không phải thuốc nội nào cũng có may mắn ấy, không phải tỷ trọng thuốc nội sẽ tăng mãi đến kịch trần trong danh mục thuốc bệnh viện. TS Quyết cho biết vừa rồi Đảng ủy phải chỉ đạo hội đồng đấu thầu thuốc quyết định bỏ thầu cho nhóm dịch truyền nội dù mỗi chai nội cao hơn chai ngoại cùng loại 50 đồng. Ông chỉ ra mấy nhược điểm của nội từ chất lượng cho đến tiếp thị.

“Khi 90% nguyên liệu vẫn phải nhập, ước mơ đưa thuốc nội bằng nguyên liệu trong nước chiếm lĩnh thị trường là không tưởng” - TS Quyết chân tình, “Ngay Thái Lan và Hồng Kông cũng dứt khoát xác định chỉ để một tỷ lệ nhất định thị trường thuốc là do nội địa nắm giữ”.

Bao giờ doanh nghiệp dược của ta mới với tới được cái gọi là “một tỷ lệ nhất định” ấy? Tiền thuốc sử dụng tại 661 bệnh viện có báo cáo năm 2003 là trên 1.362 tỷ đồng. Năm 2004 là 1.646 tỷ đồng và năm nay dự kiến tiệm cận đến 2.000. Bao nhiêu phần trăm của túi thuốc khổng lồ ấy dành cho thuốc nội, không thấy ai đề cập đến.

Chỉ thấy PGS.TS Lê Ngọc Trọng chỉ thị làm mấy việc để hình thành cho được cái mà ông gọi là “tập quán tiêu dùng dược phẩm nội”. Đó là các doanh nghiệp dược phải “hoạt khẩu” hơn nữa (quảng bá chất lượng thay vì nặng về báo cáo thành tích, số lượng huân huy chương) và các bệnh viện phải “hợp tác” hơn nữa.

Ông giao Vụ điều trị chỉ đạo BV Bạch Mai lớn nhất miền Bắc giữa tháng Tư năm nay tổ chức diễn đàn cho doanh nghiệp dược nội đến “trình dược viên” để rồi nhân ra các bệnh viện khác. Giao Cục Quản lý Dược hướng dẫn thông tin quảng cáo cơ bản để tháng Sáu gửi các doanh nghiệp dược nội điền vào và cho ra hẳn cuốn quảng cáo không thua kém các hãng ngoại, v.v...

Dược nội dường như đang bắt đầu lấy đà. Đà mạnh hay nhẹ, nhanh hay chậm, phải chờ xem hiện thực “xanh tươi” đến đâu. Có điều kỳ này mà lỡ đà, khi AFTA và WTO đến  năm 2006, mục tiêu 60% thuốc sử dụng làm từ trong nước vào năm 2010 không khéo lại thành viễn tưởng. 

MỚI - NÓNG