Khi các nhóm lợi ích bị “đụng chạm”

Khi các nhóm lợi ích bị “đụng chạm”
TP- Giới kinh tế đã và đang chuyền tay nhau một Báo cáo của Đại học Harvard dài 85 trang về kinh tế Việt Nam mang tựa đề “Lựa chọn Thành công: Bài học từ Đông Á và Đông Nam Á cho tương lai của Việt Nam”.
Khi các nhóm lợi ích bị “đụng chạm” ảnh 1
Năm qua, TTCK VN giành được nhiều sự quan tâm của quốc tế

Một trong những điều thú vị từ bản Báo cáo này là, nhiều diễn biến liên quan đến Ngân hàng Nhà nước, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản, trong những ngày đầu năm Mậu Tý vừa qua, đã được chỉ ra một cách khá sáng rõ.

“Biến Ngân hàng Nhà nước thành một ngân hàng trung ương thực thụ”, là khuyến nghị của Báo cáo trên đối với Chính phủ Việt Nam. Sự cần thiết của việc tạo “hành lang” cho Ngân hàng Nhà nước trở thành “trái tim” có thẩm quyền trong lưu thông “huyết mạch” của nền kinh tế, có lẽ là điều không cần phải bàn cãi.

Nhưng, điều ngạc nhiên, theo như TS. Nguyễn Quang A đã viết trên Tiền phong là, trong bối cảnh lạm phát “leo thang” từng ngày ở Việt Nam (ngày 24/2/2008, thông tin trên tờ Straits Times cho rằng Việt Nam bị lạm phát lớn nhất Đông Á!), Ngân hàng Nhà nước đã từng chẳng có chân trong tổ điều hành giá cả của Chính phủ! Vậy nên, thật dễ hiểu, khi Ngân hàng Nhà nước được vào cuộc chống lạm phát, chưa bao giờ những thuật ngữ chuyên môn của ngành ngân hàng lại tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng như hiện nay, từ tín phiếu bắt buộc, tăng dự trữ bắt buộc, cho đến lãi suất qua đêm, rồi tính thanh khoản của các ngân hàng.v.v... Cũng thật nhanh chóng, những động thái của Ngân hàng Nhà nước đã tác động ngay đến hai thị trường “nhạy cảm” là chứng khoán và bất động sản.

Chính sách thắt chặt tiền tệ, cùng với những quy định nhằm hướng tới việc minh bạch hóa thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản, đã và đang “đụng chạm” đến các nhóm lợi ích, vốn được hưởng các khoản lợi nhuận tiền tỷ nếu trạng thái hiện tại được giữ nguyên.

Như bài viết của tác giả Hà Phan trên báo Tiền phong hôm nay (25/2), việc giới kinh doanh bất động sản tại TPHCM, trong tuần vừa qua, đã liên tục gặp mặt lãnh đạo thành phố để “kêu cứu” khi chính sách tiền tệ bị thắt chặt. Nhưng, trước đây, khi bất động sản liên tục tăng “nóng”, người nghèo méo mặt vì giá nhà đất, thì không thấy những cuộc gặp mặt trang trọng như trên được tổ chức để “kiến nghị chính sách”!?

Trong một động thái khác, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ một dự thảo về tăng cường quản lý thị trường chứng khoán tự do và phát triển bền vững thị trường chứng khoán tập trung.

Dự thảo này được cho là sẽ “siết chặt” những cơn sóng ào ạt phát hành cổ phiếu riêng lẻ “chui” của các doanh nghiệp, mà không ít trong số đó là những công ty cổ phần có tên tuổi trên thị trường. Nếu được ban hành, chắc hẳn dự thảo này sẽ gây khó khăn cho kiểu làm ăn được Báo cáo nêu trên của Đại học Harvard định danh là “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, đó là việc lãnh đạo nhiều doanh nghiệp nhà nước lập ra những công ty cổ phần con, rồi ào ào phát hành cổ phiếu nhằm trục lợi trên thương hiệu của công ty mẹ.

Những chính sách lợi cho số đông, nhưng ảnh hưởng đến các nhóm lợi ích có điều kiện để “vận động hành lang”, không phải bao giờ cũng dễ dàng được ban hành và triển khai. Dư luận đang chờ quan sát những diễn biến tiếp theo của các chính sách “thắt chặt” và quy định “minh bạch” nêu trên.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.