Khi đồng nội tệ rớt giá

Khi đồng nội tệ rớt giá
TP - Việc đồng nội tệ của nhiều nước Đông Nam Á đồng loạt mất giá, khiến nhiều người không khỏi so sánh thực trạng hiện nay với thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cách đây đúng 15 năm.

> Người Triều Tiên tiêu tiền như thế nào?
> Venezuela lại phá giá đồng nội tệ

Các số liệu thống kê cho thấy, chỉ trong vòng một tháng từ ngày 21/7 đến 26/8 vừa qua, đồng peso của Philippines đã bị mất giá 1,7% so với đồng USD, trong khi đồng baht của Thái Lan cũng giảm 2%, đồng ringgit của Malaysia giảm 3,5% và đồng rupiah của Indonesia giảm tới 6,5%.

Nguyên nhân chính giải thích cho hiện tượng này là kết quả cuộc họp cuối tháng 7 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Theo đó, FED phát ra tín hiệu về việc sẽ giảm dần chương trình kích thích kinh tế thông qua việc mua lại tài sản.

Sở dĩ đồng nội tệ của Indonesia, Singapore, Malaysia và Philippines mạnh trong giai đoạn khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu 2008-2009 là do việc chính phủ các nước phát triển hạ lãi suất xuống mức rất thấp. Do vậy, khi các thông tin của FED đến với giới đầu tư, ngay lập tức đã đẩy lãi suất trên thị trường Mỹ lên cao, từ đó khiến lợi nhuận ở khu vực Đông Nam Á bắt đầu kém hấp dẫn hơn so với trước đây.

Trước việc các đồng tiền ở Đông Nam Á mất dần giá trị, nhiều người đã nghĩ đến viễn cảnh bi đát của khu vực khi các nhà đầu tư ồ ạt rút vốn khỏi đây. Tuy nhiên, có thể yên tâm rằng so với giai đoạn 1997-1998, khả năng chống đỡ khủng hoảng của các nền kinh tế Đông Nam Á hiện đã tốt hơn rất nhiều. Rút kinh nghiệm từ bài học không kịp trở tay khi các nhà đầu tư ồ ạt rút vốn, hiện các nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á như Indonesia, Singapore, Malaysia và Philippines, đều duy trì lượng dự trữ ngoại tệ tương đối lớn. Ví dụ như trường hợp của Philippines, hiện nước này có đủ khả năng thanh toán các đơn hàng nhập khẩu trong vòng 6-13 tháng tới.

Mặc dù đồng nội tệ yếu có thể giúp cải thiện khả năng cạnh tranh về xuất khẩu nhưng nó cũng mang lại rủi ro lạm phát tăng khi giá hàng nhập khẩu tính theo đồng nội tệ tăng lên.

Nguồn vốn FDI thấp cũng có thể dẫn tới tổng vốn đầu tư nói chung giảm, ít nhất là trong ngắn hạn. Do đó, chính phủ các nước Đông Nam Á này có thể sẽ phải đẩy mạnh các biện pháp cải cách nếu muốn duy trì dòng vốn FDI cũng như nhịp độ tăng trưởng GDP như trước đây.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG