Khi ngân hàng vừa bị mua giá 0 đồng đi đòi nợ

Doanh nghiệp Phương Trang bên cạnh lĩnh vực bất động sản, còn kinh doanh vận tải, trạm dừng chân và sở hữu nhiều bến xe khách
Doanh nghiệp Phương Trang bên cạnh lĩnh vực bất động sản, còn kinh doanh vận tải, trạm dừng chân và sở hữu nhiều bến xe khách
TPO - Sau những tai tiếng với việc bị mua với giá 0 đồng và lãnh đạo bị bắt; Ngân hàng Xây dựng (CB-tiền thân là Ngân hàng Đại Tín) vừa lên tiếng khởi kiện đòi nợ Cty CP Xe khách Phương Trang (một đơn vị có cả nghìn đầu xe khách, chiếm lĩnh thị phần vận tải miền Nam) hơn 3 nghìn tỷ đồng. Câu chuyện này thực hư ra sao?

Ai mới là con nợ?

Thông tin mới nhất từ CB là chuẩn bị khởi kiện Cty CP Xe khách Phương Trang để đòi lại khoản “nợ xấu” (theo cách gọi của CB) trên. Tuy nhiên, ngay lập tức, phía Phương Trang khẳng định: Cty CP Xe khách Phương Trang hoàn toàn không có khoản vay hay bất cứ giao dịch nào với CB.

Theo đó, thông tin một chiều từ CB gửi các cơ quan báo chí đăng tải đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị này; gây hoang mang hệ thống gần 5.000 cán bộ công nhân viên Phương Trang và ảnh hưởng tới uy tín danh dự doanh nghiệp.

Theo đó, việc dư nợ 3.436 tỷ đồng của Cty CP Đầu tư Phương Trang (chứ không phải Cty CP Xe khách Phương Trang) đã được xác nhận bởi các biên bản làm việc (có đại diện chứng kiến của Ngân hàng Nhà Nước và Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tại trụ sở CB). Cụ thể lúc đầu CB (tiền thân Ngân hàng Đại Tín) báo cáo dư nợ là gần 9.500 tỷ đồng, sau đó cộng cả lãi lên đến gần 17.000 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, khi cơ quan điều tra làm việc, đối chiếu, thống kê và xác nhận con số chính xác là 3.436 tỷ đổng. “Với sự chênh lệch lớn như vậy, phải chăng do cách làm việc bừa bãi và yếu kém của ngân hàng CB hay có gì mờ ám và tiêu cực rất lớn phía sau?”, ông Phạm Đăng Quan, Tổng giám đốc Cty CP Đầu tư Phương Trang nói.

Đặc biệt, phía Phương Trang cho biết, CB cố tình lờ việc hiện đang nắm giữ số tài sản cầm cố của mình là 14.500 tỷ đồng (do chính CB định giá).  “Phương Trang mới chính là nạn nhân của câu chuyện lùng nhùng này. Trên thực tế, từ nhiều năm nay và trong nhiều cuộc họp giữa 2 bên, Phương Trang đã yêu cầu được trả nợ dứt điểm hơn 3 nghìn tỷ đồng để CB hoàn lại tài sản nói trên, nhưng họ viện đủ lý do để không thực hiện.

Điều này gây thiệt hại vô cùng lớn cho công ty vì khối tài sản hơn 14.500 tỷ đồng nằm chết một chỗ, không tái đầu tư kinh doanh được. Như vậy, nói cho đúng,  số dư nợ 3.436 tỷ của Phương Trang và các Thành Viên Hợp tác Kinh doanh không phải “nợ xấu” mà thực tế do sự cố tình gây khó khăn không thừa nhận sai trái, không thừa nhận sự thật của một số cán bộ lãnh đạo CB”, đại diện Phương Trang nói.

Lúng túng với tên khách vay

Chiều 10/9, ông Đỗ Tất Khá-Thành viên HĐTV kiêm Phó TGĐ (lãnh đạo cấp cao chuyên trách công tác xử lý nợ xấu) CB trao đổi với báo chí. Theo đó, về phản ứng về tên pháp nhân vay tiền, ông Khá, cho biết: “Theo hồ sơ lưu, cùng các thông tin CB nhận được từ các cơ quan chức năng, không tồn tại tên gọi đích xác này. Đó là một khái niệm chung để chỉ nhóm nợ có liên quan đến các doanh nghiệp có mang thương hiệu Phương Trang và các cá nhân có liên quan”. Tuy vậy, không hiểu sao, CB lại nêu đích danh Cty CP Xe khách Phương Trang nợ, đến nỗi bị phản ứng sai tên?

Khi đề cập đến số tài sản thế chấp giá trị hơn 14.500 tỷ đồng, ông Khá nói: “Chúng tôi được Ngân hàng Nhà nước giao nhiệm vụ tiếp quản và xử lý các công việc của CB sau khi thuộc sở hữu nhà nước. Trước hết, nếu nói về quan hệ chính thức, như trên đã trao đổi, chúng tôi không biết cái gọi là Cty Phương Trang cụ thể là ai với mô hình hoạt động sử dụng danh xưng Phương Trang. Mặt khác, về tài sản thế chấp, nhóm Cty Phương Trang vẫn đang khai thác; vụ việc theo hồ sơ tồn đọng từ ngân hàng cũ nhiều năm nay, nên chúng tôi chỉ thực hiện căn cứ theo đúng quy định của pháp luật”.

“Ngay từ tháng 2/2012, Cty CP Đầu tư Phương Trang đã nhiều lần gửi đơn kiện đến các cơ quan chức năng nhằm làm rõ trách nhiệm và quyền lợi của đôi bên. Nhưng chính CB dù đã biết rõ bản chất sự việc vẫn có nhiều động thái kéo dài thời gian khi không phản hồi đề nghị xử lý dư nợ của Phương Trang. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho chúng tôi trong suốt hơn 4 năm qua. Bên cạnh đó, CB luôn đổ thừa chúng tôi không thiện chí, tránh né khi công bố thông tin ra dư luận. Trong khi đó, các biên bản làm việc gần đây đều thể hiện rất rõ tinh thần hợp tác và cộng tác tốt nhất của chúng tôi với mong muốn sự việc được giải quyết nhanh. Bởi vì, nếu càng kéo dài, Phương Trang mới phải chịu thiệt thòi lớn, chứ không phải CB”, đại diện Phương Trang nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG