Chương trình xúc tiến thương mại trong nước:

Khi nhà máy ép nông dân bán mía non

Khi nhà máy ép nông dân bán mía non
TP - Với cách điều hành, sản xuất mía đường như hiện nay, cả nông dân và người tiêu dùng đều thiệt, chỉ doanh nghiệp được lợi.
Khi nhà máy ép nông dân bán mía non ảnh 1
Người trồng mía còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Xuân Phú

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, tại hội nghị tổng kết sản xuất mía đường niên vụ 2009-2010, hôm qua, tình trạng thiếu nguyên liệu niên vụ vừa qua của các nhà máy đường vẫn khá nghiêm trọng, với 40 nhà máy lớn chỉ đủ nguyên liệu đảm bảo 61% công suất thiết kế.

Do thiếu nguyên liệu, xảy ra tình trạng các nhà máy tranh giành vùng nguyên liệu của nhau. Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết: Ở khu vực ĐBSCL, nhiều nhà máy không có vùng nguyên liệu riêng, nên tranh nhau mua mía, ép nông dân bán mía non, gây thiệt hại cho nông dân và nhà máy, chẳng khác gì lấy đá đè chân nhau.

Mía được mua ào ạt, nhiều tạp chất (ngọn, bẹ, lá, rễ…), không dựa vào chữ đường nên chất lượng đường kém, gây lãng phí.

Theo lời ông Đỗ Thành Liêm, Chủ tịch HĐQT Cty CP Đường Khánh Hòa, niên vụ vừa qua ở Khánh Hoà, vì thu mua mía sớm một tháng (mía non), nông dân mất đứt 50 tỷ đồng. Ép mía non, sản lượng không cao, các nhà máy cần trả lại cho nông dân khoản tiền bằng lúc họ thu hoạch chính vụ.

Chia quyền lợi với nông dân

Theo bà Bùi Thị Quy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Các Cty mía đường Cồn Vạn Phát, hầu hết các nhà máy đều sử dụng thương lái riêng để mua gom nguyên liệu. Đây chính là người quyết định, thao túng giá nguyên liệu giữa nông dân và nhà máy. Bà Quy cho hay, để sự việc này xảy ra, do Hiệp hội mía đường Việt Nam quá mờ nhạt, chưa thể hiện được vai trò của mình.

Còn bà Phạm Thị Sum, Chủ tịch HĐQT Cty CP đường Biên hòa không khỏi xót xa khi 15 năm nay, ngành mía đường vẫn chưa phất lên được và hiện trong tình trạng báo động. Theo bà Sum, thu mua mía phải theo chữ đường chứ không nên mua mía xô phổ biến như hiện nay. Có nơi rác ở trong nhà máy còn nhiều hơn ngoài ruộng mía.

Năm nay giá đường tồn tại nhiều nghịch lý. Giá đường trong nước luôn đứng ở mức cao (nhất là vào tháng 2-2010, có nơi trên 17.000 đồng/kg). Ngay cả thời điểm chính vụ, lượng đường tồn kho nhiều, nhưng giá đường vẫn tăng, cao hơn cả giá đường thế giới.

Theo ông Hòa: “Lỗi ở đây là điều hành. Hiệp hội mía đường không liên kết với nhau. Ai cũng tranh mua, tranh bán, kéo giá mía về mình. Khi giá đường thế giới cao, doanh nghiệp vẫn mua cho nông dân theo giá mía hợp đồng (chẳng hạn quy định 700.000 đồng/tấn). Các doanh nghiệp cần chia sẻ lợi ích với nông dân. Như thế làm sao phát triển bền vững”.

Tính chung, tổng sản lượng đường sản xuất niên vụ 2009-2010 chỉ đạt gần 1 triệu tấn, trong khi bình quân tiêu thụ đường trong nước khoảng 1,3-1,4 triệu tấn, buộc phải nhập khẩu.

Tính đến hết tháng 4-2010, lượng đường nhập khẩu thương mại là 30.000 tấn (cấp quota 50.000 tấn); nhập dùng để sản xuất là 25.000 tấn (quota là 150.000 tấn).

Lượng đường tồn kho tại các nhà máy trên 382.000 tấn. Bộ NN&PTNT cho biết, sau tháng 7-2010 sẽ bổ sung quota nhập khẩu đường.

MỚI - NÓNG