Khi nước đến chân

Khi nước đến chân
TP- Năm Mậu Tý 2008 đã rất khó khăn. Năm Kỷ Sửu 2009 chắc sẽ còn khó khăn không kém. Chờ chúng ta phía trước là khủng hoảng tài chính, là suy thoái kinh tế, là công ăn việc làm khó khăn, là thu nhập giảm sút…

Năm mới nói về những dự báo u ám như vậy thật không phải là việc nên làm. Tuy nhiên, nói về những thuận lợi không có thật, có lẽ, còn ít nên làm hơn.

Nói gì cũng khó, hay là nói về khả năng ứng biến của người Việt trong tình thế khó khăn? Khả năng nói trên là có thật. Vậy nên đây là chuyện vui vẻ hơn để nói lúc xuân sang.

Người Việt chúng ta cho dù thường “nước đến chân mới nhảy”, nhưng chẳng mấy khi chịu để cho nước nhấn chìm. Tất nhiên, nhảy vào phút chót như vậy thì cũng có cái bất tiện. Nhiều người sẽ cho là chúng ta không biết nhìn xa, trông rộng, không biết lo toan mọi chuyện từ trước.

Tuy nhiên, suốt ngày lo lắng về chuyện “nước đến chân” thì sống cũng mất vui. Người Anh từng căn dặn: “Đừng lo lắng về nỗi lo, trước khi nỗi lo làm lo lắng bạn”. Lời căn dặn của người Anh thật chí lý! Nhưng người Anh không phải dạy người Việt về một chuyện như vậy.

Dưới thời bao cấp, cái thời mới đó mà cách đây đã hơn 30 năm, “nước thường đến chân” ở trong rất nhiều chuyện, đặc biệt là trong cái chuyện thiếu thốn khó khăn. Người Việt chúng ta đã “nhảy” những cú rất ngoạn mục bằng cách nuôi lợn trên nhà tầng; trồng sau trên sân thượng; biến đất 5% thành thứ đất mang lại nhiều lúa gạo hơn toàn bộ số đất 95% còn lại.

Nhân nói về chuyện nuôi lợn trên nhà tầng, một chủ nhà đã bị công an khu vực dọa phạt vi cảnh về việc nuôi lợn gây mất vệ sinh. Chủ nhà đã biến báo như sau: “Anh phạt tôi về chuyện nuôi lợn là tôi không đồng ý. Lương tôi một tháng chỉ mua được 1 - 2 kg thịt lợn. Trong lúc con lợn mỗi tháng lớn lên, tăng được 8 kg. Nó làm ra tiền gấp 4 lần so với tôi, vì vậy tôi thách anh chứng minh được là tôi nuôi nó chứ không phải là nó nuôi tôi!”.

Dưới thời bao cấp, chuyện buôn bán nói chung bị cấm. Tuy nhiên, vẫn luôn luôn tồn tại một thị trường phi chính thức nhưng khá năng động. Đây là thị trường được sử dụng để tiêu thụ những thứ bạn được phân phối, nhưng bạn chẳng có nhu cầu.

Giá cả ở thị trường này thường cao hơn giá cả hàng hóa bạn được phân phối rất nhiều, nhờ vậy cứ được phân phối hàng là bạn lại kiếm được một khoản. Và vì vậy từ kim chỉ, áo may ô, xà phòng, lốp xe, xì dầu, nước mắm… được phân phối cho dù chẳng cần đến thì bạn đều mua tuốt và bạn đều bán tuốt.

Bên cạnh lợn nuôi nhà tầng, rau trồng sân thượng, thì đây cũng là một cú “nhảy” ngoạn mục không kém của người Việt chúng ta. Cũng phải thấy rằng thị trường phi chính thức luôn luôn tồn tại dưới mọi thời, nên khi chúng ta có chủ trương xây dựng kinh tế thị trường thì chủ trương này đi vào cuộc sống rất nhanh.

Chuyện thời bao cấp qua đã từ lâu, xin nói về chuyện của thời không còn bao cấp nữa. Mà một trong những chuyện được người Việt quan tâm nhất ở thời nay là chuyện giáo dục, hay đúng hơn là chuyện giáo dục chẳng ra sao. Không ai bảo ai, nhiều người Việt đã tìm cách giải quyết vấn đề này bằng việc gửi con đi học nước ngoài.

Với cú “nhảy” này, hàng năm có hàng trăm triệu USD được chi cho người Úc, người Mỹ, người Anh… để giúp cung ứng cái mà hệ thống giáo dục trong nước chưa cung ứng được. Tất nhiên, tìm cách nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục trong nước là việc làm đúng đắn hơn và cao cả hơn.

Nhưng đó là công việc của Nhà nước, hơn là việc của những công dân bình thường. Ngoài ra, nếu chất lượng giáo dục là chuyện “nước đến chân”, thì “nhảy” một cú sẽ không giải quyết được vấn đề. Đây là chuyện cần phải đầu tư nhiều thời gian và công sức.

Một chuyện khác là chuyện nói tiếng Anh. Nhiều người trong chúng ta sẽ phải phát ghen với lũ trẻ ở Sapa khi thấy chúng có thể “bắn” tiếng Anh nhanh như gió. Chẳng cần phải có chủ trương của Nhà nước, chương trình của quốc gia, bọn trẻ tự học ngay tiếng Anh, vì tiếng Anh giúp chúng bán hàng. Và có vẻ như cú “nhảy” này của bọn trẻ ngoạn mục hơn mức mà hệ thống giáo dục có thể mong chờ.

Năm 2009, như đã nói ở trên, sẽ là một năm khó. Nhưng với khả năng ứng biến của người Việt, khó khăn nhất định sẽ được vượt qua. Hãy chờ những cú “nhảy” ngoạn mục của người Việt!

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.