Khó cắt bớt quyền của Hiệp hội lương thực

Khó cắt bớt quyền của Hiệp hội lương thực
TP - Trao đổi với Tiền Phong bên lề Quốc hội về việc ban hành một cơ chế mới trong điều hành xuất khẩu gạo, ông Vũ Huy Hoàng cho biết, đang có rất nhiều tranh luận về vai trò của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và khó cắt bớt quyền của hiệp hội này.

>> VFA xin trả quyền quản lý xuất khẩu gạo

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng . Ảnh: Hồng Vĩnh

Tại kỳ họp trước, nhiều đại biểu Quốc hội tại ĐBSCL đã chất vấn ông về việc điều hành xuất khẩu gạo, vậy cơ chế điều hành sẽ được khắc phục ra sao, thưa ông?

Chúng tôi đang rất khó khăn trong việc xây dựng một nghị định mới về điều hành xuất khẩu gạo. Bởi, cơ chế này đụng đến rất nhiều vấn đề như: người nông dân; vai trò quản lý nhà nước và của các hiệp hội; thị trường bên ngoài và cơ cấu giá.

Thủ tướng đã chỉ đạo rất quyết liệt. Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NN&PTNT, Tài chính đã soạn thảo nhiều lần, lấy ý kiến Hội Nông dân Việt Nam, các địa phương.

Dự thảo đã làm đến lần thứ 7 nhưng vẫn tồn tại ba vấn đề là: Làm sao trong mọi bối cảnh thị trường nông dân vẫn có lãi, mức hiện nay là 30%; phân tích rõ vai trò quản lý nhà nước với sản xuất, kinh doanh, mối quan hệ giữa các cơ quan bộ, ngành với hiệp hội; tạo được sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, không phân biệt thành phần, quy mô doanh nghiệp, kinh doanh xuất khẩu gạo đảm bảo an ninh lương thực.

Điều dư luận quan tâm và bức xúc thời gian qua là chúng ta đã trao quyền quá lớn cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), vấn đề này sẽ được xử lý ra sao trong nghị định, thưa ông?

Tôi đồng tình với nhiều ý kiến đề nghị, nên đưa vai trò điều hành xuất khẩu gạo về các cơ quan nhà nước như Bộ Công Thương, NN&PTNT, Tài chính, còn hiệp hội là nơi tập hợp các thành viên trên tinh thần tự nguyện, bảo vệ lợi ích của nhau. Hiệp hội không nên tham gia trực tiếp quản lý nhà nước.

Thực ra, thời gian qua, VFA cũng không hoàn toàn làm vai trò quản lý nhà nước. Việc điều hành, chỉ định khối lượng gạo xuất khẩu hàng năm đều do các bộ, ngành quyết định. Còn VFA làm động tác kỹ thuật, ký kết các hợp đồng cụ thể, phân bổ trong thành viên của hiệp hội, doanh nghiệp nào tham gia hợp đồng tập trung của Chính phủ, doanh nghiệp nào tham gia hợp đồng thương mại.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, bây giờ ngay việc phân chia hợp đồng, VFA cũng làm mức độ thôi. Việc phân bổ hợp đồng Chính phủ và hợp đồng thương mại cũng nên giao cho các cơ quan nhà nước. Khó khăn đối với chúng tôi là những nội dung này đang còn tranh luận rất nhiều. Do vậy, ban soạn thảo sẽ tiếp tục tham khảo nhiều ý kiến hơn nữa. Để khi nghị định trình Chính phủ là đảm bảo các yêu cầu.

Cũng liên quan đến tình hình xuất nhập khẩu, một số đại biểu Quốc hội tiếp tục lo ngại về tình trạng mất cân bằng cán cân thương mại, tại sao chúng ta liên tục nhập siêu trong nhiều năm qua, thưa ông?

Trong bối cảnh một nước đang phát triển như Việt Nam, phải tăng cường đầu tư, sản xuất, trong khi nhiều máy móc thiết bị trong nước không sản xuất được, nguyên liệu để chế biến, gia công hàng xuất khẩu không đủ, thì phải nhập siêu là bình thường.

Ví như xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, các nhà máy nhiệt điện công suất 1.000 MW trở lên thì đa số máy móc thiết bị phải nhập khẩu. Gần 60% nguyên liệu của ngành dệt may cũng phải nhập khẩu. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá, ở trình độ phát triển của Việt Nam, mức nhập siêu 20% là có thể chấp nhận được.

Hiện nay, nhóm hàng cần thiết, buộc phải nhập khẩu chiếm khoảng 70% kim ngạch nhập khẩu. Nhóm thứ hai là cần phải nhập khẩu nhưng có thể kiểm soát và giảm dần, chiếm trên 20%. Còn lại, nhóm hàng tiêu dùng chưa thiết yếu, cần hạn chế nhập khẩu, chiếm 7%.

Trong mấy năm gần đây nhập siêu của chúng ta đều vượt con số 20%, Bộ Công Thương sẽ có biện pháp cụ thể gì để khống chế nhập siêu năm 2010 như chỉ tiêu Quốc hội đề ra?

Đúng là trong ba năm qua, nhập siêu của chúng ta đều trên 20%, nhưng tỷ lệ đã giảm dần. Năm 2010, chúng tôi quyết tâm đưa tỷ lệ này xuống dưới 20%. Giải pháp đầu tiên là các biện pháp kỹ thuật. Đối với ôtô và một số mặt hàng khác sẽ có những tiêu chuẩn về chất lượng, quy cách chủng loại sản phẩm. Đạt được quy chuẩn mới cho nhập khẩu.

Thứ hai và cũng là biện pháp dài hơi là phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước, nội địa hoá. Đây là một nền công nghiệp công nghệ cao nên phải đầu tư bài bản và cần thời gian chứ không phải vài ba tháng là làm được.

Thứ ba là biện pháp thuế. Đối với những mặt hàng không cần thiết nhập khẩu sẽ bị áp dụng mức thuế cao nhất trong khung cam kết WTO và các cam kết khác. Ngoài ra, các biện pháp phi thuế cũng sẽ được áp dụng, như việc cho tiếp cận ngoại tệ nhập khẩu, mở hợp đồng thanh toán…

Hà Nhân thực hiện

MỚI - NÓNG