Khó giải trình cổ phiếu tăng nóng

Khó giải trình cổ phiếu tăng nóng
Nửa cuối tháng 9, thị trường sôi động trở lại, giá nhiều cổ phiếu liên tục tăng mạnh. Bản thân những doanh nghiệp có cổ phiếu tăng nóng cũng không đưa ra được nguyên nhân cụ thể khi giải trình.
Khó giải trình cổ phiếu tăng nóng ảnh 1
Nguyên nhân giá tăng nóng được đưa ra vẫn là muôn thủa: “do cung cầu của thị trường” (?) - Ảnh: Việt Tuấn.

Những doanh nghiệp có cổ phiếu giá tăng trần 5 phiên liên tiếp nhận được “trát” của Sở hoặc Trung tâm, nhưng không thể giải trình được cụ thể.

Tâm điểm trên sàn Hà Nội là cổ phiếu SCJ của Công ty Cổ phần Xi măng Sài Sơn. Ngày 19/9, cổ phiếu này chính thức chào sàn với giá 72.400 đồng/cổ phiếu. Trong vòng một tuần giao dịch, cổ phiếu này đã “gây sốc” khi liên tiếp tăng trần với mức tăng chung 117%. Đỉnh điểm là mức giá lên tới 183.500 đồng/cổ phiếu trong phiên 2/10.

Ngày 27/9, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội có công văn yêu cầu Xi măng Sài Sơn giải trình diễn biến giá nói trên.

Tại Công văn số 420/CV-CT, Chủ tịch Xi măng Sài Sơn Nguyễn Văn Bổng cũng không thể giải thích hơn ngoài việc nhắc lại những thông tin đã có trong bản cáo bạch trước đó. Đáng chú ý là thông tin khẳng định các thành viên Hội đồng Quản trị, Ban giám đốc, Ban kiểm soát và các đối tượng liên quan chưa thực hiện việc mua bán cổ phần của công ty.

Và nguyên nhân giá tăng nóng được đưa ra vẫn là muôn thủa: “do cung cầu của thị trường”. Ngoài ra, “hiệu quả sản xuất kinh doanh trong thời gian qua và định hướng phát triển được xác định rõ ràng trong tương lai” cũng được Xi măng Sài Sơn xem là một nguyên nhân.

Tương tự, cùng ngày niêm yết với SCJ (19/9), cổ phiếu VIC của Công ty Cổ phần Vincom chào sàn TP.HCM và hình thành mức giá 125.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu này sau đó liên tục tăng trần.

Ngày 26/9, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM có công văn yêu cầu Vincom công bố thông tin về biến động giá. Ngày 27/9, giá VIC giảm ở mức -7.000 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là phiên giảm giá duy nhất tính đến thời điểm này. Ngay sau đó, cổ phiếu này tiếp tục nóng sốt 4 phiên hướng trần. Hiện đỉnh giá của VIC đã lên đến 193.000 đồng/cổ phiếu.

Trong văn bản giải trình của Vincom, tương tự như Xi măng Sài Sơn, lãnh đạo công ty niêm yết cũng không thể cắt nghĩa được các nguyên nhân cụ thể, ngoài giải trình chung là do “cung cầu của thị trường”; bởi hoạt động kinh doanh của công ty đang diễn ra bình thường, không có đột biến hay thay đổi đáng kể.

Với những bản giải trình của Xi măng Sài Sơn hay của Vincom, cả nhà quản lý lẫn nhà đầu tư không có được thông tin như mong đợi để có thể đi tìm nguyên nhân. Một số bình luận cho rằng việc yêu cầu giải trình và giải trình trong những trường hợp này chỉ còn mang tính hình thức.

Theo Đăng Long
Vneconomy

MỚI - NÓNG