Tổng Giám đốc người Việt của hãng xe Mỹ:

Khó khăn, thử thách là cơ hội để trưởng thành

TGÐ Phạm Văn Dũng là người Việt đầu tiên của Ford Việt Nam.
TGÐ Phạm Văn Dũng là người Việt đầu tiên của Ford Việt Nam.
TP - Sau hơn 1 năm giữ cương vị Tổng giám đốc người Việt đầu tiên của Ford Việt Nam, ông Phạm Văn Dũng cho rằng, mỗi khó khăn, thử thách chính là cơ hội để học hỏi và trưởng thành. Vị trí càng cao, càng nhiều thử thách chờ đợi, quan trọng là sẵn sàng đối đầu với thử thách ấy.

Sau hơn 1 năm nhận vị trí Tổng giám đốc Ford Việt Nam, công việc của ông giờ này thế nào? Ông có thể chia sẻ về doanh thu, lợi nhuận của Ford Việt Nam?

Ðảm nhiệm vai trò cao hơn tại Ford, có nhiều thách thức chờ đợi tôi. Nhưng tôi nghĩ đó là cơ hội để học hỏi và trưởng thành. Vì vậy, tôi không có cảm giác quá khó khăn, không thể vượt qua. Hơn 1 năm qua, tôi cùng đội ngũ của mình tiếp tục con đường "Một Ford", ngày càng mang lại trải nghiệm đáng nhớ hơn cho người tiêu dùng; tiếp tục phát triển hệ thống đại lý và mạng lưới bán hàng trên cả nước; củng cố dịch vụ chăm sóc khách hàng một cách tốt nhất.

Hiện, doanh số 9 tháng đầu năm của Ford Việt Nam tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương hơn 20.000 xe bán ra). Các dòng xe Transit, Ranger và EcoSport dẫn đầu các phân khúc trong nhiều tháng qua. Ford Việt Nam giữ mức tăng trưởng cao gấp đôi ngành và là một trong ba thương hiệu ô tô phát triển nhanh nhất tại Việt Nam.

Giờ đây tham gia giao thông, tôi thấy rất nhiều ô tô Ford lưu thông. Trong đó nhiều loại gần gũi thực sự với người Việt, hẳn là công ty ông có cả một chiến lược chinh phục?

Kế thừa hình ảnh thương hiệu sôi động trong quá khứ, Ford đã và đang xây dựng thương hiệu “Go Further - Tiến Xa Hơn”, để phát triển bền vững trong vòng 5 năm trở lại đây. Theo đó, Ford Việt Nam chung tay với Ford toàn cầu, đem đến sản phẩm dựa theo bốn trụ cột thương hiệu chính: “Chất Lượng - Xanh - An Toàn - Thông Minh”. Ðây chính là yếu tố tạo nên sự tin tưởng, an tâm của người lái và hành khách. Ðặc biệt Ford mang lại không gian thư giãn thú vị cho họ khi di chuyển trên chiếc xe.

Theo ông, điều gì khiến một doanh nghiệp nước ngoài trước đây chỉ sử dụng CEO nước ngoài, sau nhiều năm đã chọn lựa người Việt? Ông có lời khuyên nào với các bạn trẻ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập hiện nay?

Việc phát triển con người tại Ford có quy trình và liệu trình cụ thể - không phụ thuộc vào nguồn gốc hay sắc tộc. Tôi nghĩ rằng Ford là môi trường khuyến khích con người phát triển tốt nhất, mở ra nhiều cơ hội nếu bạn sẵn sàng học hỏi và phấn đấu.

Tôi được bổ nhiệm vào đúng thời gian Ford Việt Nam đạt cột mốc 20 năm tại thị trường Việt Nam. Tôi rất tự hào khi nhận được sự tin tưởng từ ban lãnh đạo, đội ngũ nhân viên, cũng như tập đoàn Ford toàn cầu. Ðây là cơ hội cho tôi học hỏi, trải nghiệm những điều mới mẻ và phát triển trong một môi trường chuyên nghiệp, tôn trọng sự phát triển kỹ năng của mỗi cá nhân. Từ đó chung tay gây dựng hình ảnh và dịch vụ công ty hoàn thiện hơn nữa. Tôi luôn cố gắng vận dụng kinh nghiệm, kỹ năng học hỏi được khi làm việc tại Ford Úc để phát triển Ford Việt Nam ngang tầm các nước trong khu vực.

Theo tôi, với số dân hơn 90 triệu, Việt Nam là thị trường tiềm năng cho mọi ngành kinh doanh. Trình độ của người lao động Việt Nam ngày càng cao, thể hiện qua tỉ lệ du học sinh về nước và chất lượng giáo dục tăng lên. Bối cảnh đất nước mở cửa, số lượng nhà đầu tư trong và ngoài nước kêu gọi chất xám ngày càng nhiều là cơ hội giúp bạn trẻ trải nghiệm và thể hiện hết khả năng.

Tôi tin tưởng rằng giới trẻ Việt Nam sẽ hoàn toàn có cơ hội và khả năng để đóng góp chất xám cho thị trường vô cùng đa dạng hiện nay tại nước nhà.

Cám ơn ông!

MỚI - NÓNG