Khoản đầu tư nhiều rủi ro của ngân hàng

Kinh tế khó khăn, việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp rủi ro cao (trong ảnh: Đóng tàu trọng tải lớn tại một doanh nghiệp thuộc Vinashin) Ảnh: Đình Thắng
Kinh tế khó khăn, việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp rủi ro cao (trong ảnh: Đóng tàu trọng tải lớn tại một doanh nghiệp thuộc Vinashin) Ảnh: Đình Thắng
TP - Với lãi suất hấp dẫn và thanh khoản cao, hầu hết các tổ chức tín dụng đều đổ hàng nghìn tỷ vào trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh doanh nghiệp làm ăn khó khăn như hiện nay, trái phiếu doanh nghiệp lại trở thành khoản đầu tư nhiều rủi ro.

> Nợ xấu hàng ngàn tỷ từ cho thuê tàu

Những khoản đầu tư khủng

Trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là một loại chứng khoán nợ, có lãi suất cao hơn lãi tiền gửi và các loại trái phiếu, kỳ phiếu khác. Hơn nữa, lãi suất TPDN rất linh hoạt, thường giữ cố định kỳ đầu và sau đó thả nổi theo lãi suất tiền gửi của ngân hàng.

Có thời điểm, lãi suất TPDN lên tới 22%/năm. Do đó, thời gian qua, rất nhiều ngân hàng đã đầu tư một lượng vốn khủng vào TPDN với kỳ vọng lợi nhuận lớn.

Theo một nguồn tin riêng của Tiền Phong, tính đến hết tháng 8-2012, tổng dư nợ TPDN tại các tổ chức tín dụng là hơn 160.000 tỷ đồng. Trong đó, một số “ông lớn” ngân hàng có dư nợ trên 20.000 tỷ đồng.

Còn các tổ chức tín dụng khác cũng “ôm” trung bình 1.000 tỷ đồng TPDN. Tại một số ngân hàng, TPDN thậm chí chiếm trên 90% cơ cấu chứng khoán đầu tư.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ năm 2012, Ngân hàng xuất nhập khẩu (Eximbank) đã mua trái phiếu của 7 doanh nghiệp với tổng giá trị đầu tư hơn 4.961 tỷ đồng, tăng gần 800 tỷ đồng so với cuối năm 2011.

Trong đó, đáng chú ý là Eximbank đã mua 2.000 tỷ đồng trái phiếu của công ty CP VID Hưng Yên và 900 tỷ đồng trái phiếu của Cty CP bất động sản Tân Vạn Hưng.

Ngoài ra, Eximbank đã mua trái phiếu của Hoàng Anh Gia Lai (800 tỷ đồng), các tập đoàn EVN (650 tỷ đồng), Vinashin (hơn 262,6 tỷ đồng), Vinacomin (150 tỷ đồng), Tổng Cty Thương mại Sài Gòn (200 tỷ đồng)… Các trái phiếu này có thời hạn từ 2-10 năm, lãi suất từ 9,6% - 17,2%/năm.

Hết quý II- 2012, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của Ngân hàng công thương Việt Nam (Vietinbank) giảm 1.623 tỷ đồng so với cuối năm 2011, còn hơn 21.481 tỷ đồng. Ngân hàng Techcombank cũng có dư nợ 26.768 tỷ đồng TPDN.

Mới đây, ngày 8-10, Tổng Cty CP điện xây dựng Việt Nam thông báo sẽ phát hành 350 tỷ đồng trái phiếu để thanh toán các khoản nợ (1.200 tỷ đồng).

Trái phiếu có kỳ hạn 2 năm, lãi suất năm đầu 14%/năm và năm sau bằng lãi suất tiền gửi cộng biên độ 4%/năm. Với mức lợi nhuận cao, nên trái phiếu này đã thu hút được 7 ngân hàng, công ty đăng ký mua.

Rủi ro báo trước

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng: “Giữa lúc huy động vốn từ thị trường chứng khoán, khách hàng khó khăn, thì phát hành trái phiếu là một giải pháp cho DN. Nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn thuộc lĩnh vực kinh doanh đòi hỏi vốn rất lớn, kỳ hạn dài như than, điện, bất động sản…”.

Thực tế, thời gian qua, các doanh nghiệp lớn như Vinacomin, EVN, Vinaconex, Sudico, Vincom (nay là Vingroup)… đã huy động được vài trăm tỷ đồng nhờ bán trái phiếu.

 Rủi ro lớn nhất khi ngân hàng đầu tư TPDN là nếu doanh nghiệp phá sản thì ngân hàng ôm TPDN đó bị coi như những khoản nợ thông thường, nên khó có thể thu hồi vốn. Khi đó, ngân hàng phải dùng tiền của mình trích lập dự phòng rủi ro. Nhưng hiện nay, nhiều ngân hàng chưa có dự phòng rủi ro cho đầu tư TPDN”. 

“Phát hành trái phiếu có lợi hơn đi vay vì chi phí thấp hơn, nhưng vay tiền được lâu hơn, chỉ trả lãi định kỳ (6 tháng hoặc 1 năm) và trả gốc khi đến hạn. Hơn nữa, trái phiếu là giấy tờ có giá, có thể bán trên thị trường chứng khoán hoặc thị trường thứ cấp, nên có tính thanh khoản tốt hơn”- Ông Hiếu nói và cho biết, chỉ những doanh nghiệp có uy tín, tài chính tốt, lợi nhuận… mới phát hành được trái phiếu.

Đơn cử, cuối tháng 6 vừa qua, Vinacomin đã phát hành thành công 500 tỷ đồng trái phiếu để có vốn thực hiện các dự án của ngành than trong giai đoạn 2011-2015.

Tuy nhiên, theo ông Trịnh Hoài Giang, Chủ tịch Hiệp hội trái phiếu Việt Nam, thì thời điểm này, doanh nghiệp phát hành trái phiếu không hề dễ dàng, nhất là với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đối với loại TPDN do ngân hàng bảo lãnh phát hành, nếu trái phiếu bán được ít hoặc không bán được thì ngân hàng sẽ đứng ra mua lại số trái phiếu “ế” đó.

“Các doanh nghiệp lớn phát hành trái phiếu còn dễ hơn chút. Nhưng thực ra, vì vay vốn ngân hàng không được nên họ - doanh nghiệp chuyển sang phát hành trái phiếu. Mà số trái phiếu đó cũng chỉ bán cho một vài nhà đầu tư, mà chủ yếu là các ngân hàng”- Ông Giang nói.

Ví như trường hợp của Tổng công ty CP xuất nhập khẩu Việt Nam (Vinaconex).

Năm 2010, Vinaconex đã bán thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu, do ngân hàng bảo lãnh phát hành. Trong đó, có 4 ngân hàng tham gia mua. Khoản nợ này vừa được Vinaconex thanh toán hồi tháng 5-2012.

Ngân hàng mua TPDN vì lãi suất trái phiếu hấp dẫn, biên độ biến động lớn (cả tăng và giảm), tính thanh khoản cao. Nhưng thực tế, đây cũng là hình thức cho vay vốn, thậm chí là một cách để lách giới hạn tín dụng.

Theo một số chuyên gia tài chính, ngân hàng “ôm” TPDN thời điểm này có thể chịu nhiều rủi ro.

Theo Nghị định 90/2011/NĐ-CP về phát hành TPDN, doanh nghiệp chỉ cần có thời gian hoạt động tối thiểu 1 năm, có lãi của 1 năm trước năm phát hành, có báo cáo tài chính được kiểm toán, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn...

“Các điều kiện này chưa đảm bảo doanh nghiệp có khả năng trả nợ trái phiếu, mà có thể dẫn tới rủi ro trong tương lai”- Ông Hiếu nói và cho biết thêm, ở nước ngoài, thường có yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải được xếp hạng tín nhiệm bởi một công ty đánh giá tín nhiệm độc lập.

Nhưng ở Việt Nam, hiện không có quy định này, nên hầu hết doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong nước đều chưa được xếp hạng tín nhiệm.

So với khoản tín dụng thông thường, theo ông Trịnh Hoài Giang thì đầu tư TPDN có độ rủi ro hơn. Vì hiện không có quy định cụ thể về giám sát khoản tiền từ TPDN như đối với khoản cho vay như phân loại, trích lập rủi ro... Khi ngân hàng mua trái phiếu, thì doanh nghiệp được toàn quyền sử dụng số tiền đấy.

Việc giám sát, phân loại nợ trái phiếu và trích dự phòng rủi ro cũng tùy theo quy định của từng ngân hàng. Nếu tình hình kinh doanh không thuận lợi, thì doanh nghiệp khó có thể trả nợ cho ngân hàng, nhất là giai đoạn hiện nay.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG