Khoảng lặng sau những công nhân lớn tuổi

Mỗi năm Honda Việt Nam chấm dứt hợp đồng lao động với hàng nghìn người. Ảnh: Honda.
Mỗi năm Honda Việt Nam chấm dứt hợp đồng lao động với hàng nghìn người. Ảnh: Honda.
TP - Khi doanh nghiệp (DN) tới đầu tư, nhiều người dân địa phương phải nhường đất cho nhà máy, và nhận về lời hứa sẽ được ưu tiên tuyển dụng vào làm công nhân, với thu nhập cao, việc làm ổn định. Tuy nhiên, có không ít DN đang đi ngược lại điều này, tìm đủ lý do để “ép” người lao động nghỉ việc khi mới 35-40 tuổi.

Gây sức ép để lao động tự nghỉ

Chúng tôi về phường Phúc Thắng (thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc), đây là nơi nhiều hộ dân đã phải nhường đất sản xuất và cả đất ở để xây dựng Nhà máy Honda  Việt Nam. Anh Nguyễn V.M. (42 tuổi) cho biết, năm 1996, gia đình anh nhường ruộng đất cho Honda xây dựng nhà máy, cùng lời hứa tuyển vào làm. 

Công việc đang trôi chảy, bất ngờ năm 2005, ông M. được nhà máy thông báo hết hợp đồng lao động và không ký tiếp. “Làm việc cho nhà máy, tôi luôn hoàn thành tốt công việc, không vi phạm, nhưng hết hợp đồng họ vẫn không ký tiếp cho tôi. Tuổi đã nhỡ nhàng, đi làm nhà máy khác không ai nhận, giờ ai thuê gì làm đó, để phụ giúp kinh tế gia đình”, ông M. nói.

Còn chị Phạm Thị Huyền (36 tuổi, quê Thanh Hóa), đang làm cho Cty Giày da H.P (quận Gò Vấp, TPHCM) cho biết, đã chứng kiến nhiều trường hợp công nhân tới khoảng 40 tuổi là công ty tìm cách cho nghỉ việc để tuyển người trẻ hơn. 

“Khi lao động đến tuổi 40 là công ty tìm cách cho nghỉ việc để tuyển lao động trẻ, bằng nhiều cách như chuyển vị trí, sắp xếp làm việc mới hoàn toàn, nâng định mức công việc…”. 

Chị Phạm Thị Huyền, công nhân Cty Giày da H.P, quận Gò Vấp, TPHCM

Theo chị Huyền, năm nay chị đã làm cho công ty gần 17 năm, mức lương chị nhận được 8 triệu đồng/tháng, trong khi lao động mới vào lương chỉ 3-4 triệu đồng/tháng. Cùng với đó, tiền bảo hiểm công ty phải đóng cho lao động lâu năm cũng cao hơn, lại ít tăng ca hơn lao động trẻ, vì bận con cái, gia đình, hạn chế sức khỏe. Trong khi lao động trẻ có sức khỏe, tăng ca nhiều, nhiều việc đơn giản chỉ cần học vài ngày tới 1 tháng có thể làm thành thạo, nên DN không ngần ngại tuyển mới. 

“Vì vậy, tới khoảng 40 tuổi, công ty tìm cách cho lao động nghỉ việc để tuyển lao động trẻ, với nhiều cách như chuyển vị trí, sắp xếp làm việc mới hoàn toàn, nâng định mức công việc… Để công nhân không làm được buộc phải nghỉ, công ty vẫn có chỗ tuyển người mới mà không phạm luật”, chị Huyền nói.

Chị Nguyễn Thị Hà (50 tuổi) đang bán hàng rau trong con hẻm 227 Phạm Văn Chiêu (Gò Vấp, TPHCM) kể, chị từng làm cho một công ty may mặc hơn 20 năm. Nhưng vì nhiều tuổi, chị cùng một số chị em khác bị công ty tìm cách đuổi việc, để tìm người trẻ hơn thay thế. 

“Năm 2013, đại diện công ty ghi sổ từng lỗi nhỏ một, như ốm nghỉ quá nhiều, đi làm muộn… rồi họ bảo mình không đủ sức khỏe, cho tôi xuống hợp đồng 1 năm. Khi hết hợp đồng 1 năm, họ không ký lại nữa nên tôi về bán hàng chợ. Lúc tôi nghỉ làm, mức lương trả cho tôi có thể thuê được 3 công nhân trẻ khác”, chị Hà nói. Theo chị Hà, có trường hợp không tìm được sai sót để đuổi, đại diện công ty không cho làm nhiều, chỉ cho làm 6-7 tiếng/ngày, thu nhập của họ chỉ còn 4-5 triệu đồng/tháng.

Những trường hợp công nhân khoảng 35-40 tuổi bị buộc phải nghỉ việc ở các nhà máy giờ không còn cá biệt, khiến nhiều người lao động lo lắng. Tuy nhiên, để “bắt bẻ” được DN không đơn giản.

Hầu hết lao động tự nghỉ(?!)

Trao đổi với Tiền Phong, ông Khổng Sơn Trường, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, sau khi dư luận phản ánh về việc mỗi năm Cty Honda Việt Nam sa thải hàng nghìn lao động, tỉnh đã lập đoàn liên ngành kiểm tra một số DN trên địa bàn, trong đó có Honda.

Theo kết quả kiểm tra, từ năm 2013-2016, mỗi năm Honda Việt Nam sử dụng 8.000 - 10.000 người. Hàng năm, DN này tuyển mới 1.000- 3.000 lao động, nhưng đa phần chưa qua đào tạo. 

Đồng thời, mỗi năm Honda cũng chấm dứt hợp đồng lao động từ trên 1.000 tới gần 3.000 người. Như năm 2014, Honda Việt Nam tuyển mới trên 3.500 lao động, đồng thời chấm dứt hợp đồng với hơn 1.600 người; năm 2015 tuyển mới trên 3.000 người, đồng thời chấm dứt hợp đồng với hơn 2.600 người; nửa đầu năm 2016 tuyển mới trên 1.400 lao động, chấm dứt hợp đồng với hơn 1.200 người…

Theo lý giải của Honda Việt Nam, hằng năm công ty đều tổ chức thi đánh giá để chuyển từ hợp đồng có thời hạn sang hợp đồng không xác định thời hạn.  Cuộc thi này nhằm lựa chọn lao động đủ sức khỏe, kỹ năng, tư duy, óc sáng tạo và ý thức kỷ luật. Nội dung thi được thực hiện theo tiêu chuẩn đánh giá lao động toàn cầu của Honda. Giai đoạn 2013-2016 có hơn 3.200 lao động của Honda thi đánh giá để ký hợp đồng không thời hạn, nhưng chỉ có hơn 1.300 người đạt yêu cầu (đạt 40%). Số lao động không vượt qua sát hạch sẽ làm việc tới lúc hết
hợp đồng.

Theo ông Trường, hơn 20 năm Honda hoạt động tại Việt Nam, Sở LĐ-TB&XH chưa nhận được đơn nào của người lao động phản ánh bị Honda sa thải. Tuy vậy, đoàn thanh tra liên ngành cũng kiến nghị Honda Việt Nam xem xét điều chỉnh nội dung đánh giá năng lực để ký hợp đồng không thời hạn cho phù hợp với thực tế lao động Việt Nam. 

“Chúng tôi cũng kiến nghị các DN trên địa bàn có chính sách giữ chân lao động, vì hiện nay tuyển lao động mới không dễ”, ông Trường nói. Dù vậy, ông Trường cũng mong người lao động cần nâng cao tay nghề, ý thức, tác phong làm việc, đặc biệt với lao động làm việc tại DN có vốn đầu tư nước ngoài, vì có nhiều lao động không chịu được áp lực công việc nên tự nghỉ.

TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, hiện chưa có nghiên cứu nào về việc lao động nhiều tuổi bị DN tìm cách sa thải để tuyển lao động trẻ. Theo bà Hương, thời kinh tế thị trường, DN có quyền lựa chọn những lao động có năng suất cao, kỹ năng tốt và sa thải những người kém. Trong khi năng suất lao động phụ thuộc không ít vào tuổi tác.

MỚI - NÓNG