Khốn khổ vì... cổ phiếu ưu đãi

Khốn khổ vì... cổ phiếu ưu đãi
Để mua cổ phiếu ưu đãi, không ít người lao động đã phải vay nợ vì khả năng tài chính không đủ và đến khi về hưu, gánh nặng nợ nần lại đang đè nặng bởi chính những gì được gọi là ưu đãi.
Khốn khổ vì... cổ phiếu ưu đãi ảnh 1
Giá CP Vietcombank ngày 24/3 được giao dịch ở mức 32.000 đồng/CP.

Trong số những DNNN lớn được CPH theo Nghị định 109, một trong những điển hình thí điểm được đánh giá thành công là NH Vietcombank khi đem về khoản thặng dư khổng lồ lên tới cả chục ngàn tỉ đồng.

Tuy nhiên, nếu đứng từ góc độ người lao động (NLĐ) được quyền mua ưu đãi CP theo thâm niên công tác (không phải NLĐ mua thêm như một khoản đầu tư) thì chưa hẳn đã thành công.

Từ lá đơn kêu cứu...

"Không phải là CP ngược đãi nữa, mà là CP bạc đãi". Đó là câu nói đã trở nên phổ biến đối với những NLĐ tham gia mua CP Vietcombank.

Theo ông Trần Phúc Cường (Văn phòng Công đoàn Vietcombank), cán bộ nhân viên NH khi bắt đầu chủ trương CPH đều cảm thấy phấn khởi, nhưng sau khi đấu giá xong lại cảm thấy hụt hẫng: "Càng những người đóng góp nhiều công sức, càng các anh chị lớn tuổi, thâm niên nhiều thì thiệt hại càng nặng nề".

Đa số những cán bộ nhân viên lớn tuổi của Vietcombank tham gia mua CP ưu đãi theo chế độ đều xuất phát từ những tình cảm đối với một nơi làm việc gắn liền với cuộc đời của họ chứ không phải một hành động đầu tư hay đầu cơ theo thị hiếu.

"Ngay sau khi đấu giá xong, quyền mua cổ phần Vietcombank cũng được chuyển nhượng quanh giá bình quân nhưng không một ai bán ra cả. Ai cũng muốn giữ lại và không ai tin rằng giá CP Vietcombank lại có thể giảm chỉ còn 1/3 như lúc này" - ông Cường cho biết.

Công đoàn Vietcombank là nơi nhận được nhiều ý kiến cũng như tâm tư của NLĐ liên quan đến CP Vietcombank và không ít lần các cán bộ công đoàn cảm thấy "rát mặt". Hai lá đơn của những cán bộ có thâm niên cao nhất tại Vietcombank là những ví dụ tiêu biểu cho "gánh nặng ưu đãi".

Anh Nguyễn Hữu Thịnh - công tác tại chi nhánh Vietcombank Đà Nẵng với 42 năm thâm niên công tác đã nhiều lần gửi thư kêu cứu và đơn đề nghị giúp đỡ tới công đoàn.

Quyền mua cổ phần của anh cao nhất hệ thống Vietcombank, nhưng đồng lương không đủ mua và lãi suất vay cũng chính tại Vietcombank thời điểm đó là 8,2%/năm.

Khi còn đang công tác, thu nhập hàng tháng đủ để trả một phần lãi vay, nhưng với mức lương hưu hiện tại khoảng 2 triệu đồng/tháng thì không cáng nổi gánh nặng lãi suất tới gần 3 triệu đồng/tháng.

"Anh Thịnh có kiến nghị, với mức thu nhập không đủ trả lãi NH thì thôi không cần ưu đãi nữa, xin bán lại CP cho NH. Nếu không được thì xin công đoàn có cách gì cứu giúp. Nhưng thực sự công đoàn cũng chưa biết cách nào giúp cả vì nợ vay cũng lớn quá dù có tặng lãi suất bằng 0" - ông Cường cho biết.

Trường hợp thứ hai lại chính là của ông Phó Chủ tịch Công đoàn Vietcombank: Cả gia đình 4 người đều công tác tại NH và được mua ưu đãi tổng cộng gần 9.000 cổ phần, vay NH cũng 600-700 triệu đồng.

Hiện tại, hai anh chị, một người đã về hưu, một người chuẩn bị nghỉ - nguồn thu nhập chính bị giảm khiến số cổ phần ưu đãi là gánh nặng chưa biết đến lúc nào trả hết. "Phó Chủ tịch Công đoàn toàn hệ thống mà còn như vậy thì người khác biết kêu ai" - ông Cường nói.

... đến gánh hàng xôi

Giá CP Vietcombank trên thị trường đã có sự suy giảm rất mạnh. Đối với nhà đầu tư (NĐT) rủi ro trong thương trường là điều hết sức bình thường, thậm chí không ít tổ chức cũng đã chấp nhận bán cắt lỗ với CP này.

Tuy nhiên, từ góc độ NLĐ, rủi ro thị trường lại là rủi ro quá sức chịu đựng vì họ không được chuẩn bị tâm lý của một NĐT. Đặc biệt, với những cán bộ, nhân viên đã đến tuổi về hưu và nguồn thu nhập chính là lương hưu thì rủi ro đó còn đe doạ cả cuộc sống hàng ngày.

Chị Nguyễn Thị Nhâm, hiện trú tại khu tập thể B2, ngõ 9, Huỳnh Thúc Kháng, HN, có thâm niên 31 năm gắn bó với Vietcombank, khi nghỉ hưu tháng 10.2008 chị là Trưởng phòng Giao dịch Trung Yên. Chị được mua 3.100 CP VCB với giá ưu đãi bằng 60% giá đấu thành công bình quân, tương đương mức giá khoảng 65.000 đồng/CP.

Chị Nhâm cho biết, đã làm thủ tục vay NH 208 triệu đồng để mua được số CP kia. Đến nay, mỗi tháng chị phải trích ra 1,4 triệu đồng trả lãi. Tổng thu nhập gia đình hàng tháng chỉ có 4,5 triệu đồng lương hưu, trong khi phải nuôi con ăn học và phụng dưỡng mẹ già. Từ 3 tháng nay, chị Nhâm đã "đầu tư" thêm gánh xôi sáng và trông giữ xe đạp trong khu tập thể để tăng thu nhập. Tuy nhiên, chị cho biết số tiền kiếm được cũng chỉ bằng phân nửa số lãi ngân hàng.

Một trường hợp thương tâm hơn là chị N.T.T (xin được giấu tên) hiện đang sống tại ngõ 199, phố Thụy Khuê, HN. Sau 36 năm gắn bó với ngành NH và Vietcombank, với 12 năm tuổi Đảng, trước khi nghỉ hưu tháng 10/2008, chị là Phó phòng Kế toán giao dịch hội sở chính.

Với thâm niên 36 năm cống hiến, chị T được mua 3.600 CP. Với 232 triệu đồng tiền vốn vay mua CP, hiện hàng tháng chị phải trả 1,6 triệu đống tiền lãi vay.

Trong khi đó, với số lương hưu chỉ có 2,3 triệu đồng, cùng cuộc sống cô đơn, chị phải phụng dưỡng mẹ già 82 tuổi. Gia đình liệt sĩ này đã phải tằn tiện sống trong suốt những tháng qua. Chị T cho biết, từ tháng 3 năm nay, chị mất khả năng trả lãi vay NH.

"Chúng tôi tiếp cận với NLĐ ở cơ sở, ở đâu cũng thấy bây giờ gọi CP ưu đãi là CP ngược đãi. Chính sách được xây dựng với quan điểm của thời thị trường bong bóng, bây giờ có cách nào xử lý không? Tôi không rõ NLĐ ở các DN CPH khác như thế nào, nhưng ở Vietcombank NLĐ rất trăn trở, không yên tâm làm việc. Công đoàn cũng không có cách nào giúp được. Cần phải có thay đổi gì đó để giúp NLĐ không phải trả giá cho những giá trị do chính mình tạo ra" - đại diện Công đoàn Vietcombank kiến nghị.

Theo Lao động

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG