Không ảnh hưởng tuổi thọ công trình

Bên trong hầm dìm Thủ Thiêm, các đốt hầm bị thấm nước ngay sau khi được lắp đặt dưới đáy sông Sài Gòn. Ảnh: Huy Thịnh
Bên trong hầm dìm Thủ Thiêm, các đốt hầm bị thấm nước ngay sau khi được lắp đặt dưới đáy sông Sài Gòn. Ảnh: Huy Thịnh
TP - Liên quan hai đốt hầm Thủ Thiêm số 1 và 2 (thuộc dự án đại lộ Đông - Tây) sau khi dìm xuống sông đã xuất hiện tình trạng thấm nước, chiều 25-5, PV Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Liên - Phó Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu nhà nước về vấn đề này.

Ông Nguyễn Văn Liên-cho biết Hội đồng nghiệm thu đã có văn bản gửi đơn vị liên quan kiến nghị về vấn đề này.

 Vết thấm bên trong đốt hầm số 2 đã được phủ lớp keo chống thấm. Sắp tới, nhà thầu phải tháo bỏ để tiếp tục theo dõi diễn tiến sự cố. Ảnh: Lê Thư.

“Hội đồng nghiệm thu nhà nước (HĐNTNN) đồng ý cho nhà thầu tiếp tục thi công xong đốt dầm số 4, sau đấy mới tập trung vào tìm hiểu nguyên nhân thấm và đưa ra biện pháp xử lý sự cố trên” - Ông Liên nói.

Theo ông Liên, khi dìm các đốt cầu xuống lòng sông các đơn vị đều đã tính toán kỹ. Trong đó tính cả tải trọng của xe đi và cả lớp đất đá phía trên để đảm bảo an toàn cho công trình khi đưa vào sử dụng. Ông Liên cho biết, việc tìm hiểu, kiểm tra xác định nguyên nhân cũng như biện pháp khắc phục cần phải có thời gian vì cũng phải bơm cát rồi tháo thiết bị ra mới tìm hiểu được. “Nhưng theo nhận định của các chuyên gia thì việc thấm này cũng bình thường thôi, không nghiêm trọng đâu” - Ông Liên nói.

Cũng theo ông Liên, HĐNTNN đã kiến nghị chủ đầu tư, nhà thầu thiết kế, giám sát, nhà thầu thi công xây dựng cần tập trung giải quyết khắc phục hiện tượng thấm cục bộ tại các đốt hầm đã dìm. Trong đó, cũng đồng ý với kiến nghị của đơn vị tư vấn giám sát là không sơn phủ vết thấm mà tiếp tục theo dõi sự phát triển của hiện tượng thấm, tìm hiểu nguyên nhân và có biện pháp xử lý triệt để.

Đồng thời cần kiểm tra toàn diện bản nắp hầm đốt hầm số 4 ngay tại bãi đúc để phát hiện các chỗ thấm (nếu mới xuất hiện) và phải xử lý trước khi lai dắt. Với các vết nứt trước đây đã được sửa vẫn cần tiếp tục theo dõi, quan trắc. Nếu phát hiện vấn đề bất thường về nứt, thấm thì cần xử lý sớm trước khi đổ bê tông lớp lót mặt đường lên bên trên bề mặt kết cấu bản đáy hầm. Dù chưa được nghiệm thu nhưng hiện tượng thấm cục bộ nằm trong phạm vi cho phép và HĐNTNN nhắc nhở để chủ đầu tư và nhà thầu theo dõi, xử lý triệt để trước khi đưa vào sử dụng.

Ông Liên cho rằng, việc xuất hiện các vết thấm sẽ được khắc phục tốt nên không ảnh đến tuổi thọ, chất lượng của công trình.

MỚI - NÓNG