Không bỏ lãi suất cơ bản

Không bỏ lãi suất cơ bản
TP - Thảo luận tại hội trường về Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sửa đổi hôm qua, nhiều đại biểu cho rằng, lãi suất cơ bản có vai trò quan trọng đối với thị trường tiền tệ, cũng như đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường này, nhưng cũng có mặt trái.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có hai loại ý kiến: Thứ nhất, đồng ý với dự thảo luật không quy định về lãi suất cơ bản, NHNN thực hiện điều hành thị trường tiền tệ bằng các công cụ chính sách (lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn...). Các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện chính sách lãi suất thỏa thuận theo nguyên tắc thị trường. Khi có diễn biến bất thường trên thị trường tiền tệ, NHNN sẽ can thiệp bằng cách quy định cơ chế lãi suất cụ thể để các TCTD thực hiện.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị cần tiếp tục sử dụng công cụ lãi suất cơ bản để bảo đảm nguyên tắc Nhà nước quản lý đối với thị trường tiền tệ và làm cơ sở cho việc thực hiện các quy định của Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật khác.

“Tôi nghĩ rằng định hướng về tự do lãi suất tín dụng ở Việt Nam là không có cơ sở”- đại biểu Trần Đình Long (Đăk Lăk) nói. Đại biểu này cho rằng trên thế giới đã có nơi phải trả giá, có những ngân hàng tuổi đời hàng trăm năm, nhưng những năm qua cũng đành phải phá sản, bởi chính sách để tự do hóa về lãi suất.

Còn theo đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM), trong điều kiện hiện nay tình trạng cho vay nặng lãi vẫn xảy ra; để giải quyết căn cơ vấn đề đó nên làm rõ vai trò của các TCTD, các hợp tác xã tín dụng, chính sách của Nhà nước, vai trò của ngân hàng chính sách.

ĐB Lê Quốc Dung (Thái Bình) nhìn nhận, chúng ta đang đổi mới mô hình Ngân hàng Nhà nước, một nửa là Ngân hàng Nhà nước, một nửa là Ngân hàng Trung ương, nên nếu chỉ áp dụng biện pháp thị trường hay biện pháp hành chính đối với lãi suất sẽ không ổn. “Nếu cứng nhắc dùng riêng từng biện pháp, không tính đến hoàn cảnh của chúng ta, đồng tiền vẫn nhảy sốc, nền kinh tế không vận động”- ĐB Dung nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng, từ thực tiễn điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế 2008-2009, và kinh nghiệm của nhiều nước, lãi suất cơ bản được hiểu đúng không phải là một mức lãi suất, mà là một số lãi suất chủ yếu, trong đó có một lãi suất chủ đạo. Các quan hệ vay - cho vay tuân thủ sự chi phối của các lãi suất chủ yếu này.

Do đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị qui định về lãi suất (Điều 12) là: “1-Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất tái cấp vốn và các loại lãi suất khác để điều hành chính sách tiền tệ. 2-Trong trường hợp thị trường tiền tệ có diễn biến bất thường, Ngân hàng Nhà nước quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các tổ chức tín dụng với nhau và với khách hàng, các quan hệ tín dụng khác”.

“Khi quy định NHNN công bố lãi suất tái cấp vốn và các loại lãi suất khác để điều hành chính sách tiền tệ - Phải hiểu lãi suất khác ở đây có lãi suất cơ bản. Còn nếu sợ nó lờ mờ thì phải ghi rõ hơn, nhưng hiểu lãi suất cơ bản và điều hành lãi suất cơ bản phải đúng”- Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm nói.

Ngân hàng là cơ quan ngang bộ

Ủy ban Thường vụ QH cho biết, đa số đại biểu tán thành quy định tại dự thảo Luật qui định về địa vị pháp lý của NHNN: “NHNN Việt Nam là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, là ngân hàng trung ương của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cần thiết phải xây dựng NHNN theo hướng Ngân hàng Trung ương hiện đại, là cơ quan độc lập hoạt động theo quy định của pháp luật. Trong những năm trước mắt, cần tăng cường tính chủ động và tính trách nhiệm của NHNN trong việc hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ quốc gia vừa bảo đảm sự linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, vừa bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống chính sách kinh tế, tài chính của quốc gia.

“Quy định địa vị pháp lý của NHNN là cơ quan ngang bộ của Chính phủ thực hiện chức năng ngân hàng trung ương là phù hợp với thể chế chính trị, kinh tế-xã hội của Việt Nam hiện nay và mức độ hội nhập của nền kinh tế cũng như nguồn lực của NHNN. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị giữ như dự thảo luật”- Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền nói.

MỚI - NÓNG