17/3, hạn chót các ngân hàng mua tín phiếu bắt buộc:

Không căng thẳng như lo ngại

Không căng thẳng như lo ngại
TP - VN-Index xuống mạnh ngày 17/3 một phần do nhiều nhà đầu tư sợ các ngân hàng sẽ bán cổ phiếu ồ ạt để đủ tiền mua tín phiếu bắt buộc. Tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi thì tình hình không căng thẳng như dự báo…
Không căng thẳng như lo ngại ảnh 1
Ngày 17/3, giao dịch rút tiền mặt ở nhiều NH không quá căng thẳng - Ảnh: Hồng Vĩnh

Đã đủ tiền

Từ cuối tuần trước, nhiều ngân hàng (NH) thương mại cổ phần lớn như DongABank, ACB, Eximbank, Sacombank… khẳng định đã chuẩn bị đủ tiền để mua TPBB theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). NH cổ phần được giao nhiều nhất là ACB với 1.500 tỷ đồng cũng đã công bố đủ tiền.

Tổng GĐ Eximbank Phạm Văn Thiệt tuy thừa nhận áp lực không nhỏ nhưng cũng đã có 500 tỷ để mua TPBB như được giao; những NH mua ít như An Bình (250 tỷ), Việt Á (150 tỷ) cũng đủ tiền trước thời hạn 17/3…

Tổng GĐ một NH cổ phần cho biết: “Với tình trạng khát vốn hiện nay thì bỏ ra hàng trăm tỷ mua TPBB với lãi suất chỉ 7,8%/năm quả là rất khó khăn với NH chúng tôi nhưng vì lợi ích chung nên cũng phải cố bằng mọi cách”.

Có lẽ dự báo được mức độ “tự giác cao” của 41 NH được giao chỉ tiêu nên NHNN đã quyết định phải thực hiện việc mua TPBB đúng thời điểm 17/3 mà không có một ngân hàng nào được xem xét lùi thời gian hoặc chia khối lượng mua tín phiếu bắt buộc ra thành 2-3 đợt như đề nghị của nhiều NH.

Trong đợt mua TPBB này, 41 NH sẽ phải mua 20.300 tỷ đồng, 3 NH thương mại Nhà nước chiếm 44,3%, còn lại 38 NH thương mại cổ phần sẽ “chia” nhau.

Ngày 17/3, giao dịch rút tiền mặt ở nhiều NH tại TP HCM không quá căng thẳng như dự báo. Anh Võ Minh Quốc (thủ quỹ Cty TNHH T.B) cho hay: “Trước khi đến NH D. rút 1,3 tỷ đồng để nhập hàng, tôi cũng lo ngại hôm nay sẽ khó có đủ tiền mặt rút một lần nhưng chỉ chờ hơn 1 tiếng là rút xong”.

Tại các điểm giao dịch của ACB, Đông Á, Sacombank… hầu như khách hàng không gặp trở ngại gì khi giao dịch bằng tiền mặt với NH. Tại NH ACB, chị Nguyễn Thị Minh Trang (Cty cổ phần T.T) ngại sẽ rút tiền khó nên đã đến chờ từ sáng sớm 17/3 nhưng rồi “tôi rút 200 triệu đồng chỉ trong vòng 30 phút, vậy mà đồn đại NH này kẹt tiền do phải mua 1.500 tỷ đồng TPBB”.

Còn bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Phó Tổng GĐ NH Đông Á khẳng định, Đông Á luôn đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng, nhất là trong thời điểm “nhạy cảm” này.

GĐ khối khách hàng cá nhân của một NH thì cho rằng do có quá trình chuẩn bị hơn 1 tháng nên cả NH lẫn khách hàng đều không bị động vào thời điểm 17/3 và giao dịch tại các chi nhánh, phòng giao dịch NH ông vẫn bình thường, không có biến động về rút cũng như gửi tiền. Tuy chấp hành nhưng không ít NH vẫn e ngại việc mua TPBB sẽ khiến họ gặp không ít khó khăn trong kinh doanh.

“Hồi sau sẽ rõ”

Băn khoăn lớn nhất hiện nay là các NH phải bỏ hàng trăm, hàng nghìn tỷ mua TPBB với lãi suất chỉ 7,8%/năm trong khi lãi suất huy động lên tới 12%/năm. Chủ tịch HĐQT một NH lớn nói: “Vì lợi ích chung chúng tôi phải tuân thủ nhưng mua TPBB đồng nghĩa với việc tìm nguồn bù lỗ bởi lãi suất huy động hiện đã cao gấp 1,5 lần lãi suất TPBB”.

Hơn nữa NHNN yêu cầu các ngân hàng không được sử dụng TPBB trong giao dịch tái cấp vốn càng làm các NH đang thiếu vốn thêm khó khăn. Tổng GĐ một NH cỡ nhỏ thừa nhận, các NH cổ phần nhỏ không được dời ngày hay mua làm nhiều đợt nên chỉ còn cách “vắt chân lên cổ mà chạy”.

Ông này cũng nhận định tình hình ngày 17/3 có vẻ êm ả nhưng phải một thời gian sau mới biết “NH nào yếu hay mạnh” khi mà nhiều NH đã lao vào cuộc đua lãi suất để có tiền mua TPBB.

Tuy nhiên, TS Kinh tế Nguyễn Quang Hưng lại có cách nhìn khác: “Đợt mua TPBB này sẽ lộ ra tiềm lực thật của nhiều NH và buộc các NH phải chấn chỉnh lại hoạt động của mình. Theo tôi thì ngoài việc góp phần kiềm chế lạm phát, TPBB còn là “thuốc thử” cho các NH cổ phần sau thời gian phát triển quá nóng”.  

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.