Vụ Vinapco tuyên bố ngừng bán xăng máy bay, Chủ tịch Hãng Hàng không Đông Dương Hà Dũng:

Không có vấn đề gì

Không có vấn đề gì
TP - Thông tin hãng Hàng không Đông Dương - ICA nợ tiền xăng, sắp phá sản đang khiến dư luận quan tâm. Nhưng Hà Dũng, Chủ tịch HĐQT của ICA cười: “ICA cũng như tôi! Nếu không kinh doanh hàng không thì người như Hà Dũng xài khi nào mới hết tiền”.
Không có vấn đề gì ảnh 1
Ông Hà Dũng. Ảnh: Đình Thắng

Nhạc sĩ Hà Dũng cho biết vừa gặp lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam (chiều 25/6) để trình phương án kinh doanh.

“Tôi vừa ký văn bản báo cáo với Cục Hàng không. Nói chung là không có vấn đề gì. Cái này (tin đồn phá sản-PV) chắc là có ai đó phá.

Tất nhiên, ICA bị thiệt hại vì trong vận tải hàng không có ai chỉ mua vé đi trong ngày đâu, người ta thường mua trước. Do tin này, số lượng khách mua từ ngày 26/6 trở đi sụt giảm. Nhưng sẽ không vấn đề gì, người ta thấy mình vẫn bay lại mua vé thôi”.

Chuyện nợ nần của anh thế nào, có liên quan việc giảm từ hai máy bay xuống còn một?

Mỗi quốc gia thường có hàng trăm ngân hàng, hàng nghìn công ty nhưng hãng hàng không thì không nhiều. Bởi vì làm hàng không khó lắm. Tài sản phải lớn, mối quan hệ lại nhiều. Có doanh nghiệp nào kinh doanh lại không đi vay đâu. Nhiều hãng hàng không còn nợ cả tỷ USD ấy chứ, ICA chỉ nợ có hơn 10 tỷ đồng thì nhằm nhò gì.

Đáng lý phải hỏi ông Hà Dũng sao nợ chỉ có từng ấy tiền mới đúng chứ. Hơn nữa, đặc thù kinh doanh hàng không là vay nợ lớn, quan trọng là mình có nghề. Trước đây, ICA mua nhiên liệu còn trả tiền ứng trước cho Cty Xăng dầu Hàng không (Vinapco), sau đó xài bao nhiêu trả bấy nhiêu.

Giảm số lượng máy bay không phải là vấn đề. Cái này do thị trường điều tiết. Khi nào lượng khách đi lại nhiều, ICA lại tăng thêm máy bay. Đây là sự linh hoạt trong kinh doanh.

Trước đây từng có tin đồn, hãng bay do anh thành lập khó mà cất cánh vì kinh doanh hàng không khác việc chạy xe khách; nay bay rồi liệu có bán giấy phép?

Trước hết, để có giấy phép bay không đơn giản, vì đây là ngành kinh doanh có điều kiện. Chính phủ phải đồng ý về mặt nguyên tắc, Cục Hàng không Việt Nam xem xét mới cấp phép. Nay, ICA vượt qua được khó khăn lớn nhất để đi vào hoạt động.

Thị trường Việt Nam lại có tiềm năng lớn, không có lý gì ICA ngừng bay. Đương nhiên với số vốn ban đầu 12 triệu USD làm sao ICA xây dựng thương hiệu nổi tiếng ngay được, phải cần tới hàng trăm tỷ đồng nữa. Muốn có thêm tiền, ICA sẽ căn cứ vào luật để huy động vốn.

Theo thông lệ kinh doanh hàng không, sáu tháng đầu là thời gian xây dựng thương hiệu và chỉ cần sử dụng quá 30 phần trăm số ghế là đạt yêu cầu. Trong khi đó, ICA bốn tháng đã vượt xa hệ số trên. Đang mùa thấp điểm nhưng ICA sử dụng đến 80 phần trăm tổng số ghế.

Hà Dũng làm hàng không là để nhiều  người dân được thụ hưởng dịch vụ bay. Cách làm của Hà Dũng cũng giống như nhà sản xuất kẹo, chọn công thức làm ngon nhất, chứ không làm vớ vẩn rồi đem bán lấy lời trước mắt. Nhưng, Hà Dũng là doanh nhân đi viết nhạc nên không kinh doanh kiểu lãng mạn.

Trước khi Pacific Airlines (nay là Jetstar Pacific) thành lập, tôi đã là Tổng Giám đốc của Air Sài Gòn. Rồi cho tới khi thành lập ICA, tôi mới thôi làm đại lý cho Boeing. Năm 1996, tôi cũng từng mắc nợ khoảng mấy nghìn tỷ đồng nhưng cũng trả xong.

Sau khi Vinapco tuyên bố sẽ ngừng cung cấp nhiên liệu cho ICA vào hôm nay (26/6), Cục Hàng không Việt Nam cũng vừa có văn bản gửi nhà cung ứng nhiên liệu yêu cầu tiếp tục cấp xăng cho ICA.

Cơ quan này cho rằng, hàng không là lĩnh vực nhạy cảm nếu ngừng cấp nhiên liệu sẽ khiến các chuyến bay bị ngừng trệ, ảnh hưởng quyền lợi của người tiêu dùng. Chiều 25/6, tin từ Vinapco cho biết, ICA đề nghị được trả nợ vào tháng Chín tới.

Đình Thắng
thực hiện

MỚI - NÓNG