Không để chậm tiến độ dự án cấp bách vì dịch COVID-19

Ông Nguyễn Đức Tuyển – Giám đốc CPMB
Ông Nguyễn Đức Tuyển – Giám đốc CPMB
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Đức Tuyển (ảnh), Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) xoay quanh việc tập trung thi công, đảm bảo tiến độ các dự án truyền tải điện cấp bách trong mùa dịch COVID-19.

Xin ông cho biết CPMB đang triển khai những dự án truyền tải điện cấp bách nào và tiến độ các dự án ra sao?

CPMB đang triển khai một loạt các dự án truyền tải điện cấp bách gồm: Dự án đường dây 500kV mạch 3 (hoàn thành trong quý 4/2020) nhằm tăng cường năng lực truyền tải của lưới điện 500kV liên kết các miền, góp phần đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam trong giai đoạn tới. Dự án đường dây 500kV đấu nối Nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 (hoàn thành quý 2/2020) có nhiệm vụ giải tỏa công suất nhà máy này theo hợp đồng đã ký.

Dự án TBA 500kV Việt Trì và đấu nối (hoàn thành trong tháng 5/2020), có nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải của hệ thống điện miền Bắc, đặc biệt là các tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc; tạo ra mối liên kết mạnh giữa các khu vực trong hệ thống điện, tăng khả năng vận hành an toàn và ổn định cho hệ thống điện quốc gia.

Đặc biệt, TBA 220kV Ninh Phước và đấu nối (hoàn thành tháng 6/2020) được Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam chọn là công trình chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Dự án có nhiệm vụ giải tỏa công suất nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Ngoài ra, CPMB còn triển khai một loạt các dự án cấp bách khác như ĐD 220kV Nha Trang-Tháp Chàm; TBA 500kV Nghi Sơn…

Hiện tiến độ thi công của các dự án cơ bản đáp ứng được tiến độ đặt ra. Tuy nhiên, các địa phương đang ưu tiên để tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh nên việc triển khai và phối hợp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để bàn giao mặt thi công cũng chậm hơn so với kế hoạch.

CPMB cũng đang triển khai thủ tục đầu tư một số dự án cấp bách khác như: TBA 500kV Vân Phong và đấu nối; đường dây 500kV Vân Phong-Vĩnh Tân. Do dịch bệnh nên tiến độ phê duyệt FS đã chậm so với kế hoạch, ảnh hưởng đến tiến độ lập, trình, thẩm tra và phê duyệt thiết kế kỹ thuật.

Dịch COVID-19 đã tác động đến tiến độ các dự án thế nào, thưa ông?

Cụ thể, trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (BT-GPMB), gặp hạn chế do các địa phương tập trung chống dịch, các vướng mắc hiện tại chưa được ưu tiên giải quyết. Không tổ chức được các cuộc họp tại địa phương, họp dân để giải quyết các thủ tục về hồ sơ, các vướng mắc. Các hộ dân e ngại không tiếp xúc, hoặc không hợp tác làm việc với địa phương và cán bộ đền bù trong thời điểm mùa dịch.

Trong công tác mua sắm vật tư thiết bị, thời gian vận chuyển đường biển kéo dài, nhiều gói thầu chậm tiến độ giao hàng, ảnh hưởng đến kế hoạch đóng điện các dự án. Công tác cung cấp vật tư vật liệu phục vụ thi công bị chậm do nhiều đơn vị kinh doanh nghỉ hoặc cung cấp hạn chế.

Trong công tác thi công, nhân lực thi công nhiều công trình bị sụt giảm do khó khăn trong việc thuê nhân công ngoài, nhân công địa phương. Một số địa phương yêu cầu đơn vị thi công phải chia nhỏ chỗ ở cho công nhân, mỗi nơi chỉ ở tối đa 5 người. Việc di chuyển lực lượng thi công, bộ máy thi công từ địa phương này đến địa phương khác bị hạn chế, một số địa phương còn yêu cầu phải thực hiện cách ly 14 ngày.

Không để chậm tiến độ dự án cấp bách vì dịch COVID-19 ảnh 1
 
Không để chậm tiến độ dự án cấp bách vì dịch COVID-19 ảnh 2

Thi công đường dây 500kV mạch C

Vậy giải pháp CPMB đã và đang triển khai nhằm kiểm soát tiến độ các dự án cấp bách này là gì?

Ngay từ tháng 3, nhận định COVID-19 sẽ tác động đến các dự án nên CPMB đã triển khai các một loạt các biện pháp. Tại công trường, CBCNV các phòng chức năng, bám sát kế hoạch tiến độ của các dự án được giao, chủ động triển khai các biện pháp tích cực, hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch.

CPMB đã có văn bản đề nghị các địa phương, các nhà thầu và các đơn vị liên quan, triển khai công tác nội nghiệp (hạn chế ra ngoài) để hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ,...,nhằm giải tỏa bớt khối lượng công việc sau khi hết dịch. Đơn vị cũng thường xuyên báo cáo Chính phủ, các bộ, ngành và các các địa phương về tình hình thực hiện, các vướng mắc và đề nghị giải quyết trong điều kiện có thể.

Hiện công tác đảm bảo an toàn cho lực lượng tại công trường được CPMB triển khai như thế nào?

Đối với Ban tiền phương, CBCNV đang đi công tác ở khu vực nào thì ở ngay khu vực đó, không di chuyển đi lại giữa các vùng. Đối với các nhà thầu tại công trường, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh và thời gian phòng, chống dịch bệnh có thể kéo dài, CPMB yêu cầu thành lập Ban phòng chống COVID-19 tại công trường các công trình, tuân thủ hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh 9 của chính quyền sở tại và ngành y tế.

Công ty cũng tổ chức giám sát sức khỏe cho cán bộ, công nhân làm việc tại công trường xây dựng hàng ngày bằng cách đo thân thiệt 2 lần/ngày vào đầu mỗi buổi làm việc, thực hiện đeo khẩu trang theo đúng quy định, giữ khoảng cách hạn chế tiếp xúc gần trong suốt quá trình làm việc và nghỉ ngơi…

Cảm ơn ông! 

MỚI - NÓNG