Không để mất điện vì nắng nóng

Dù trời nắng nóng kéo dài nhưng EVN cố gắng không để mất điện. Ảnh: Phong Cầm
Dù trời nắng nóng kéo dài nhưng EVN cố gắng không để mất điện. Ảnh: Phong Cầm
TP - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, thời gian qua, cả ba miền Bắc-Trung-Nam trời nắng nóng kéo dài khiến phụ tải tăng cao. Dù khí hậu khắc nghiệt nhưng ngành điện cố gắng không để mất điện.

Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho biết, trong những ngày cuối tuần qua, ngành Điện đang phải chịu một áp lực khá lớn trước sự khắc nghiệt của khí hậu nắng nóng năm nay. Vào giữa và cuối tuần qua, hệ thống các thủy điện liên tục tăng sản lượng phát điện từ 155-181 triệu kWh/ngày. Tương tự, các nguồn khác như nhiệt điện chạy than, tua-bin chạy khí cũng phát hơn 100 triệu, thậm chí xấp xỉ 150 triệu kWh/ngày để đáp ứng nhu cầu phụ tải đang tăng rất cao. Hiện, EVN đang huy tất cả các loại hình phát điện để đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt cho người dân.


Theo EVN, những ngày gần đây, ghi nhận được công suất đạt đỉnh của cả nước vào hồi 17h ngày 12/5 là 20.898MW; phụ tải cao nhất đạt 462 triệu kWh vào ngày 22/5. Riêng khu vực Hà Nội, trong những ngày cao điểm của đợt nắng nóng, sản lượng điện của thành phố đạt tới con số hơn 43 ngàn MWh. Trong khi đó, một số dự án phát triển lưới truyền tải điện tại địa bàn Hà Nội (đường dây 220kV Vân Trì - Chèm, Hà Đông - Thành Công) đang chậm tiến độ nên rất dễ dẫn tới nguy cơ thiếu điện. Ở khu vực miền Trung, phụ tải cũng tăng cao và tỷ lệ thuận với nhiệt độ những ngày giữa và cuối tháng 5, có thời điểm đạt hơn 43 triệu kWh/ngày.

Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, mùa hè năm nay có khoảng 5 - 7 đợt nắng nóng, mỗi đợt kéo dài khoảng 4 - 7 ngày. Nắng nóng cao điểm chủ yếu dồn vào tháng 6, 7. Nhiệt độ cao nhất của mùa hè năm nay có thể chạm ngưỡng 41-42 độ C... Những dự báo này đang thực sự là mối lo lớn đối với EVN bởi ngay những ngày đầu mùa nắng nóng năm nay đã ghi nhận một số sự cố về đường dây, trạm biến áp gây mất điện cục bộ ở Yên Bái, Lào Cai. Nghiêm trọng hơn, sự cố máy biến áp AT2 trạm 500kV Hiệp Hòa (Bắc Giang) xảy ra hôm 21/5 gây mất điện, đình trệ hoạt động sản xuất, sinh hoạt cùng lúc tại địa bàn các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Nam Định, Thái Bình, Sơn La.

Cũng theo dự báo, mùa khô này, vấn đề căng thẳng nhất vẫn là công tác đảm bảo nguồn điện cho các tỉnh, thành phía Nam. Vì hiện tại điện cho khu vực này vẫn phụ thuộc lớn vào việc truyền tải từ miền Bắc và miền Trung. Để giải quyết vấn đề trên, thời gian qua, EVN đã hoàn thành đóng điện nhiều công trình 220 - 500kV.

Mới đây, EVN đã hoàn thành công trình đường dây truyền tải 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, dài hơn 437km. Việc đóng điện và đưa vào vận hành công trình trọng điểm này sẽ đảm bảo việc truyền tải điện an toàn, ổn định từ miền Bắc vào miền Nam, kịp thời cung ứng đủ điện cho miền Nam trong các tháng nắng nóng cao điểm nhất năm nay cũng như những năm tiếp theo.

Cùng với đường dây 500kV mạch 1, mạch 2, đường dây 500kV mạch 3 Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông sẽ góp phần tạo tiền đề liên kết lưới điện khu vực Đông - Tây Nam bộ, đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn, tránh quá tải trong trường hợp cần có sự trao đổi điện năng mức độ cao giữa các vùng, miền trên cả nước.

Để góp phần làm giảm áp lực phụ tải, EVN khuyến cáo người dân cần sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm trong những tháng, ngày cao điểm tới đây. Đặc biệt, cần có ý thức bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, tránh các sự cố làm mất an toàn lưới điện như thả diều, đốt nương làm rẫy gần các đường dây… gây chập, cháy, gián đoạn việc cấp điện.

Ngoài ra, EVN cho biết, với dự án cấp điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm cho huyện đảo Cô Tô và huyện đảo Phú Quốc, đưa điện quốc gia ra các huyện đảo đã góp phần vào phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng vùng biển đảo của Tổ quốc. Các dự án cấp điện cho đồng bào Khmer tại các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang đã hoàn thành giai đoạn 1, đang tiếp tục thực hiện giai đoạn 2. Các dự án cấp điện cho đồng bào các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên được triển khai đúng kế hoạch.


MỚI - NÓNG