Không hạn chế cá nhân vay vốn nước ngoài

Không hạn chế cá nhân vay vốn nước ngoài
TP - Sáng qua (18/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều Pháp lệnh Ngoại hối (có hiệu lực từ 1/1/2014).

> Cảnh giác với chào mời vay vốn nước ngoài
> Bộ Tài chính 'oằn lưng' trả nợ thay doanh nghiệp xi măng

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết: Có hai loại ý kiến về chống tình trạng đô la hóa.

Ý kiến thứ nhất, đề nghị giữ như quy định tại điều 8 Pháp lệnh hiện hành, không hạn chế các quyền sử dụng ngoại tệ của cá nhân; Loại ý kiến thứ hai, đề nghị xem xét sửa đổi theo hướng hạn chế bớt các quyền sử dụng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán, công cụ đầu tư của cá nhân để thực hiện mục tiêu hạn chế tình trạng đô la hóa.

Ủy ban Kinh tế cho rằng, các quyền của cá nhân quy định tại Pháp lệnh hiện hành được xác lập phù hợp với quy định về quyền sở hữu tài sản của cá nhân tại Bộ luật Dân sự bao gồm: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt.

“Việc hạn chế các quyền sử dụng ngoại tệ của cá nhân là vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng lớn đến lợi ích của từng người dân và tổ chức kinh tế, có thể tác động tiêu cực đến thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng cũng như ảnh hưởng đến lượng chuyển tiền kiều hối về Việt Nam hằng năm”- Ông Giàu nhấn mạnh.

Do đó, cơ quan thẩm tra nhất trí việc không hạn chế các quyền sử dụng ngoại tệ của cá nhân. Đồng thời, giao Chính phủ xây dựng đề án có lộ trình chống tình trạng đô la hóa.

Pháp lệnh đã được sửa đổi theo hướng giao Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các hoạt động chuyển vốn hợp pháp (bao gồm cả tiền đặt cọc và ký quỹ…).

Ngoài ra, Pháp lệnh sửa đổi cũng không hạn chế cá nhân vay và trả nợ vay nước ngoài. Theo Ủy ban Kinh tế, việc cho phép cá nhân thực hiện vay và trả nợ vay nước ngoài khi cá nhân có khả năng thu xếp được khoản vay và tự chịu trách nhiệm trả nợ là bảo đảm quyền chính đáng của người dân, góp phần thu hút nguồn vốn ngoại tệ từ nước ngoài phát triển kinh tế.

“Tuy nhiên, việc cá nhân vay và trả nợ vay nước ngoài tiềm ẩn nhiều rủi ro, trường hợp không trả được nợ sẽ ảnh hưởng đến hệ số tín nhiệm quốc gia. Vì vậy, tán thành không hạn chế cá nhân vay và trả nợ vay nước ngoài nhưng giao Chính phủ quy định cụ thể vấn đề này” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết.

Theo đề nghị của Ủy ban Kinh tế, dự thảo đã thể hiện quy định người cư trú là cá nhân nước ngoài được mở và sử dụng tài khoản đồng Việt Nam tại tổ chức tín dụng được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT).

Theo quy định dự thảo, mức doanh thu tối thiểu không chịu thuế là thấp hơn 100 triệu đồng/năm, tương đương với mức doanh thu gần 9 triệu đồng/tháng, không phân biệt ngành nghề, địa bàn. UBTVQH kiến nghị quy định Luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2014.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.