“Cuộc chiến” Uber - Grab và taxi truyền thống:

Không nên chống “máy dệt” để bảo vệ “khung cửi”

Một xe Grab trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Sỹ Lực.
Một xe Grab trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Sỹ Lực.
TP - Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường cho hay, ngày 20/7 tới, Bộ GTVT sẽ họp cùng Uber, Grab, đại diện các thành phố lớn và các bộ ngành để thống nhất biện pháp quản lý dịch vụ này.

Ủng hộ Uber và Grab, gỡ cho taxi truyền thống

Trao đổi với PV Tiền Phong bên lề Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ GTVT ngày 13/7, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường cho hay, Bộ GTVT đã lên lịch mời đại diện Uber, Grab, đại diện các thành phố lớn để họp bàn biện pháp quản lý về dịch vụ này. Các tranh luận giữa Uber, Grab và taxi truyền thống đến lúc cần giải quyết dứt điểm.

“Bộ GTVT đã bàn bạc, tổ chức đối thoại với đại diện của taxi truyền thống, nay sẽ bàn với Uber, Grab và các thành phố, từ đó đưa ra giải pháp. Những nội dung này Bộ sẽ thực hiện công khai” - ông Trường nói.

Đại diện Vụ Vận tải Bộ GTVT cho biết, những nội dung cuộc họp đang được chuẩn bị nhưng chưa có biện pháp quản lý Uber và Grab nào được đưa ra cụ thể. 

“Tinh thần là đưa ra biện pháp quản lý tạo điều kiện cho Uber và Grab hoạt động, vì đó là tiến bộ công nghệ. Ngược lại, những điều kiện ràng buộc đối với taxi truyền thống sẽ tháo gỡ. Chúng tôi đã đề nghị các DN taxi truyền thống gửi đề nghị từ đợt đối thoại vừa qua (hôm 29/6 - PV) nhưng đến nay chưa thấy” - vị này nói.

Ông này cũng cho hay, trong cuộc họp tới, dù không phải là trách nhiệm trực tiếp của Bộ GTVT nhưng Bộ sẽ mời các đại diện bộ ngành có liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Tổng cục Thuế… cùng dự họp để đưa ra biện pháp quản lý.

Coi Uber và Grab là taxi đúng hay sai?

Trong góp ý gửi cho Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội An toàn giao thông (ATGT) nhận định: Uber, Grab được người sử dụng dịch vụ lựa chọn nhiều do giá cước cạnh tranh và nhiều ưu việt khác nên “thắng thế” trên thị trường. Trong khi các hãng taxi truyền thống bị chia sẻ thị phần, cạnh tranh trong điều kiện bất lợi. Nhà nước cần đảm bảo công bằng trước pháp luật của các đối tượng quản lý.

Theo ông Quyền, Uber, Grab và taxi đều có chung một đối tượng phục vụ là khách lẻ đi đường ngắn là chính. Do đó, việc xác định xe Uber, Grab là xe kinh doanh vận tải theo hợp đồng (hợp đồng điện tử) là không phù hợp với yêu cầu quản lý. 

Cần xác định lại, ô tô dưới 9 chỗ sử dụng dịch vụ của Uber, Grab để kết nối với hành khách trong kinh doanh vận tải là loại hình kinh doanh taxi. Trên cơ sở đó, người kinh doanh vận tải phải chấp hành các quy định của pháp luật đối với loại hình kinh doanh này. Từ đó, ông Quyền đề xuất, Uber và Grab phải gắn đèn, tem mào, bị quản lý như taxi.

Vụ trưởng Vận tải Trần Bảo Ngọc cho hay, việc xếp Uber và Grab là xe hợp đồng là hợp lý, nhiều nước cũng quản lý phương thức tương tự. Ông Ngọc cho rằng, taxi truyền thống có lợi thế hơn Uber và Grab khi có tem mào, được hành khách dễ nhận dạng. “Nếu thấy bất lợi, sao taxi không bỏ đèn, hay lô gô để trở thành xe hợp đồng” - ông Ngọc đặt lại vấn đề.

Theo ông Ngọc, sự khác biệt nằm ở chỗ áp dụng công nghệ thông tin vào vận hành các loại hình. Uber và Grab thực chất là đơn vị cho các doanh nghiệp có xe hợp đồng thuê quản lý, đại diện ký hợp đồng bằng công nghệ tiên tiến. Taxi truyền thống hoàn toàn có thể áp dụng các công nghệ quản lý tiên tiến tương tự.

TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho rằng, Uber và Grab là những biểu tượng dễ cảm nhận nhất về thời đại mới, khi công nghệ đang làm thay đổi nhanh chóng cách sống và cách làm việc của chúng ta. “Lợi ích của Uber và Grab là không thể chối cãi”, ông Dũng nói và khẳng định nếu đi lại bằng Uber và Grab rẻ và tiện lợi hơn thì nhiều người sẽ không mua ô tô, không lái xe máy ra đường.

“Quản lý dễ dàng, thì thu thuế cũng dễ dàng. Nhà nước không thu được thuế là điều rất khó chấp nhận ở đây”, ông Dũng phân tích và so sánh, giống những chiếc máy dệt công nghiệp đã “giết chết” khung cửi thủ công, Uber và Grab đang làm cho các hãng taxi truyền thống hết sức lao đao. “Tuy nhiên, chúng ta có nên chống lại những chiếc máy dệt công nghiệp để bảo vệ các khung cửi không? Tất nhiên là không nên! Mà có muốn thì cũng chẳng chống lại được!” - ông Dũng bình luận.

Theo ông Dũng, vấn đề là phải loại bỏ và sửa đổi nhanh chóng các quy định pháp lý không cần thiết để giảm thiểu chi phí và bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng hơn cho taxi truyền thống.

“Tuy nhiên, chúng ta có nên chống lại những chiếc máy dệt công nghiệp để bảo vệ các khung cửi không? Tất nhiên là không nên! Mà có muốn thì cũng chẳng chống lại được!”.

TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.