Không nên đánh đổi tăng trưởng cho kiểm soát lạm phát

Không nên đánh đổi tăng trưởng cho kiểm soát lạm phát
TS Amarakoon Bandara, đại diện Ủy ban Kinh tế-Xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Liên hiệp quốc (UNESCAP) nói như vậy trong buổi công bố báo cáo điều tra kinh tế xã hội 2008 và triển vọng kinh tế Việt Nam trước những thách thức mới, hôm qua 27/3.
Không nên đánh đổi tăng trưởng cho kiểm soát lạm phát ảnh 1
Ông Amarakoon Bandara

Ông Amarakoon Bandara cho biết:

Trong năm 2008, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh ở mức 8,2% do đầu tư tăng cao kết hợp với việc mở rộng khu vực công nghiệp và dịch vụ.

Tốc độ đầu tư cao và tỷ giá hối đoái ổn định trong bối cảnh khó khăn và quỹ dự trữ ngoại tệ tăng lên là những bước phát triển tích cực có ý nghĩa quan trọng ở Việt Nam trong năm 2007.

Tuy nhiên, lạm phát sẽ là thách thức lớn nhất của Việt Nam, mặc dù kinh tế có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất, song lạm phát sẽ dự báo là lớn nhất ở khu vực.

Ý kiến của một số chuyên gia kinh tế hàng đầu khu vực cho rằng, Việt Nam nên “hãm phanh” tốc độ tăng trưởng để kiểm soát lạm phát. Quan điểm của ông về ý kiến trên như thế nào?

Lạm phát và tăng trưởng là hai yếu tố có quan hệ với nhau, nhưng không đồng hành với nhau. Không phải vì chống lạm phát mà hãm phanh tốc độ tăng trưởng.

Khi gia nhập WTO, kinh tế Việt Nam cũng phải chịu tác động nhất định của tiến trình này. Các dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam cũng gia tăng đáng kể trong năm 2007 (xấp xỉ 70%) có rất nhiều tác động tích cực, nhưng cũng đã gây khó khăn cho cơ quan quản lý tiền tệ trong việc kiểm soát lạm phát.

Trung Quốc và Campuchia đều có tốc độ tăng trưởng rất cao, thậm chí còn cao hơn Việt Nam, nhưng tốc độ lạm phát của họ vẫn được kiểm soát ở dưới mức 5%.

Tóm lại, Việt Nam không nên và không được phép “đánh đổi” sự tăng trưởng cho mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Không “đánh đổi” tăng trưởng cho lạm phát, theo ông nền kinh tế Việt Nam sẽ phải điều chỉnh theo quỹ đạo nào?

Lạm phát cao là vấn đề lớn nhất mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt. Có nhiều phương cách khác nhau để tháo gỡ vấn đề này. Việt Nam có thể học tập và tham khảo kinh nghiệm của các nước trong khu vực như duy trì tốc độ tăng trưởng, cải thiện chất lượng đầu tư.

Chính phủ cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ, điều chỉnh tỷ giá hối đoái giữa VND và các ngoại tệ khác một cách cẩn trọng nhưng cần linh hoạt hơn, tăng năng suất các mặt hàng xuất khẩu và tạo thuận lợi cho thương mại. Đồng thời, Việt Nam nên thắt chặt chi tiêu của Chính phủ, nâng cao hiệu quả chi tiêu Chính phủ và thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

Việc đồng USD suy yếu, Việt Nam có nên gắn tỷ giá VND một cách cứng nhắc đối với USD?

Việc kiểm soát chặt chẽ VND đã từng bị giảm giá so với USD (xuống khoảng 16.000 VND/USD) cũng như các dòng vốn nước ngoài lớn đổ vào Việt Nam đã làm phức tạp thêm nỗ lực của Việt Nam trong việc ngăn chặn không cho VND tăng giá.

Việt Nam cần thiết phải duy trì tỷ giá hối đoái ổn định nhưng không quá cứng nhắc mà cần có sự linh hoạt hơn. Việc USD giảm giá so với các tiền tệ khác, Việt Nam có thể điều chỉnh tỷ giá hối đoái VND/USD cao lên một chút cũng là biện pháp cần tính tới.

Cảm ơn ông!

Theo Văn Nghĩa
 SGGP

MỚI - NÓNG