Không nên quá sợ 'tai xanh'

Người chăn nuôi đang lao đao vì dịch lợn tai xanh. Ảnh: Phạm Anh
Người chăn nuôi đang lao đao vì dịch lợn tai xanh. Ảnh: Phạm Anh
TP - Cơn bão dịch lợn tai xanh oanh tạc các tỉnh miền Bắc thời gian qua, khiến người tiêu dùng quay lưng với thịt lợn, người chăn nuôi lao đao. Trước tình cảnh đó, hôm qua, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) tổ chức cuộc họp tìm giải pháp khắc phục tình trạng trên, đẩy mạnh tiêu thụ thịt lợn trong tình hình hiện nay.
Người chăn nuôi đang lao đao vì dịch lợn tai xanh. Ảnh: Phạm Anh
Người chăn nuôi đang lao đao vì dịch lợn tai xanh. Ảnh: Phạm Anh.


Lao đao vì tai xanh

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Chăn nuôi cho biết, trong quý I năm nay, ngành chăn nuôi tăng tưởng khá, tăng 3% về đầu con và 3,5% về sản lượng. Tuy nhiên, thời điểm cuối tháng 4 đến nay, các tỉnh miền Bắc (chiếm 30% tổng đàn lợn cả nước), “bão” tai xanh hoành hành, khiến việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Hiện, giá lợn thịt, lợn giống đã giảm 10 – 20% tùy thời điểm; thịt lợn tiêu thụ tại các chợ đã giảm tới 40%.

Theo ông Sơn, nếu để dịch tai xanh kéo dài trong những tháng tới, thu nhập của người chăn nuôi giảm mạnh, thậm chí lỗ nặng, họ sẽ chán nghề và ngành chăn nuôi gặp không ít khó khăn. Sáu tháng đầu năm, chăn nuôi chỉ tăng 3,5% về sản lượng, chắc chắn ảnh hưởng đến sự tăng trưởng đầu con.

"Thực tế, nếu nấu chín, vi khuẩn liên cầu có thể bị tiêu diệt, nên người dân không nên quá lo lắng khi ăn thịt lợn"

Hiện ở nhiều cơ sở chăn nuôi, dù dịch chưa sờ đến, nhưng bí đầu ra vì sức mua giảm mạnh. Ông Lê Quang Thành, một cơ sở chăn nuôi lớn ở Nghệ An cho hay, đơn vị này có tổng đàn khoảng 35.000 con, trong đó có 2.600 con lợn nái.

Tuy nhiên, ở các thị trường lớn, người tiêu dùng có tâm lý lo ngại, thịt bị gạt ra bữa ăn hàng ngày. Hiện, giá thịt lợn hơi rất rẻ, tổn thất tới 30 - 40%. Cùng đó, giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, các chi phí về vaccine phòng bệnh cũng được đẩy lên cao khiến nhiều cơ sở chăn nuôi trong cảnh khóc dở, mếu dở và đứng trước nguy cơ phá sản.

Cũng trong cảnh như vậy, ông Nguyễn Đức Đán, Phó Tổng giám đốc Tổng Cty Chăn nuôi VN cho hay, hiện các đơn vị thành viên Tổng Cty có tổng đàn trên 46.000 con, trong đó đàn nái sinh sản 5.700 con. Dù đến nay dịch tai xanh vẫn chưa tấn công đàn lợn của đơn vị này, nhưng việc tiêu thụ gặp không ít khó khăn.

Trước đây, trung bình, mỗi tháng xuất khoảng 3.500 lợn nái, tuy nhiên, đến nay con số này đã giảm mạnh, sức ép lên chuồng trại rất ghê gớm. Ông Đán đề nghị, nếu được kiểm dịch an toàn, cần cho lợn lưu thông để giải phóng chuồng trại, giảm gánh nặng cho người chăn nuôi. Cùng đó, Chính phủ nên giãn nợ, ưu tiên về vốn cho các doanh nghiệp chăn nuôi đang lao đao vì dịch.

Không nên quá sợ tai xanh

Ông Tô Long Thành, Phó GĐ Trung tâm Chẩn đoán Thú y T.Ư cho rằng, virus gây dịch lợn tai xanh không hề lây bệnh cho người. Tuy nhiên, bệnh đáng lo ngại ở đây chính là vi khuẩn liên cầu lợn, vì bệnh này khá phổ biển, lợn có thể khiến lợn bị khớp, viêm màng não khi nhiễm vi khuẩn này và có thể lây sang người.

Theo ông Thành, thịt lợn bị bệnh do vi khuẩn liên cầu lợn gây ra khó phát hiện, nên để đảm bảo an toàn, người tiêu dùng nên mua thịt ở những điểm giết mổ tập trung, có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y. Thực tế, nếu nấu chín, vi khuẩn liên cầu có thể bị tiêu diệt, nên người dân không nên quá lo lắng khi ăn thịt lợn. Ông Thành cảnh báo: “Vi khuẩn liên cầu chứa nhiều trong máu lợn. Vì thế, nếu ăn tiết canh có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao”.

Hiện cả nước đã có trên 134.000 nhiễm dịch tai xanh, trong đó trên 60.000 con chết và tiêu hủy. 16 tỉnh đang có dịch chưa qua 21 ngày là: Hải Dương, Thái Bình, Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Hà Nam, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Cao Bằng và Sơn La.

Ông Nguyễn Trần Hiển (Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) cho hay, trong số các trường hợp nghi nhiễm như ở Hà Nội (5 trường hợp), hay 4 trường hợp xác định dương tính ở Thái Bình đều ở thể nhẹ, có triệu chứng rất khó phân biệt với bệnh sốt thông thường. Bệnh nhân mắc bệnh đều do ăn thịt lợn có vi khuẩn liên cầu lợn giết mổ không đúng quy trình, không đảm bảo vệ sinh.

Ở khía cạnh quản lý, Cục trưởng Chăn nuôi Hoàng Kim Giao cho rằng, dịch tai xanh lây lan nhanh là việc vận chuyển, lưu thông lợn bệnh tràn lan. Thực tế, dịch tai xanh là do virus gây ra và không lây sang người. Nếu ăn chín, uống sôi, người dân không phải lo lắng gì. Ở các tỉnh có dịch, cơ quan thú y và chính quyền địa phương cần tăng cường giám sát, khống chế dịch, có phác đồ điều trị với lợn có dấu hiệu mắc dịch. Khi tiêu hủy lợn chết, cần thực hiện các bước theo hướng dẫn của thú y, khử trùng chuồng trại.

Lo ngại trước dịch lợn tai xanh, người tiêu dùng có xu hướng dùng thịt ngoại, khiến lượng thịt lợn, bò nhập khẩu 5 tháng đầu năm tăng tới 20% so cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Giao, để bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước, chính phủ cần tăng thuế nhập khẩu các sản phẩm thịt.

Xuất hiện heo sữa nhiễm bệnh

Kết quả xét nghiệm giám sát hội chứng hô hấp và sinh sản ở lợn (PRRS) trên đàn heo sữa tại TPHCM mới đây cho thấy 4 mẫu dương tính với PRRS. Ông Phan Xuân Thảo – Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM cho biết xét nghiệm giám sát trên một số đàn heo tại các tỉnh lân cận cũng phát hiện tại tỉnh Bình Dương có lưu hành virus PRRS này.

Ông Thảo cho rằng nguy cơ xuất hiện dịch heo tai xanh trên địa bàn TPHCM rất cao khi mỗi ngày lượng heo hơi nhập về TPHCM tăng bình quân 280 – 300 con và khoảng 300 con heo giết mổ khác tại Long An, Bình Dương, Đồng Nai.

Nhiễm liên cầu lợn vì ăn tiết canh

TP - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Quốc gia lại vừa tiếp nhận thêm một bệnh nhân nam ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội) bị nhiễm liên cầu lợn. Theo điều tra dịch tễ, bệnh nhân thường xuyên ăn tiết canh và trước khi mắc bệnh có ăn tiết canh lợn.

Trước đó, bệnh viện này còn tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân Duy Văn Túy, 45 tuổi ở Hà Nội bị hoại tử đen bàn chân vì thường xuyên ăn tiết canh lợn nên nhiễm bệnh.

MỚI - NÓNG