Không nên xây dựng “thương hiệu quốc gia”!

Không nên xây dựng “thương hiệu quốc gia”!
"Dưới giác độ của người tiêu dùng thì họ sẽ thiên về thương hiệu từng sản phẩm, từng DN chứ không để ý đến thương hiệu quốc gia... cho nên các DN không đồng tình với chương trình này là có lý..."

Về việc có hay không nên xây dựng "thương hiệu Quốc gia", ông Nguyễn Đình Cung - Trưởng ban nghiên cứu chính sách kinh tế vĩ mô, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TW, Thư ký Tổ thi hành Luật doanh nghiệp (DN) đã trả lời PV báo Tiền Phong.

Không nên xây dựng “thương hiệu quốc gia”! ảnh 1

Ông Cung nói: Theo tôi, trước tiên phải đặt vấn đề nội dung của THQG và giá trị của THQG là gì. Dưới giác độ của người tiêu dùng thì họ sẽ thiên về thương hiệu từng sản phẩm, từng DN chứ không để ý đến THQG. Bên cạnh đó, từng sản phẩm luôn có sự khác biệt và sự khác đó tạo nên giá trị cho thương hiệu sản phẩm đó nói riêng và công ty tạo ra sản phẩm đó nói chung.

Không nên làm THQG. Theo tôi thì THQG nằm ở chính từng thương hiệu sản phẩm. Ví dụ, nói đến Sony người ta hiểu đó là của Nhật Bản, Mercedes của Đức, Samsung của Hàn Quốc, Boeing của Mỹ…Xây dựng THQG chỉ có ý nghĩa, khi người ta đánh giá được nó tác động thế nào đến người tiêu dùng.

Vậy Chính phủ nên hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu như thế nào?

Nhà nước nên hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu là đúng rồi. Nhưng chỉ nên hỗ trợ phương pháp luận, thông tin, cách thức làm, nâng cao năng lực cạnh tranh…Từ đó, DN sẽ có thương hiệu riêng của mình. Có 2 việc cụ thể Nhà nước nên làm: Ban hành hệ tiêu chuẩn và đảm bảo hệ tiêu chuẩn đó hợp lý và có hiệu lực để người tiêu dùng chỉ nhìn vào thương hiệu đó là yên tâm về sản phẩm, tiêu chuẩn chất lượng.

Làm được như thế thì THQG đã ngầm nằm ở sản phẩm đó. Kiểm soát thực hiện đúng như những quy định đã ban hành, tạo lòng tin cho người tiêu dùng. Nhà nước làm được 2 việc đó thì sẽ tốt hơn nhiều so với xây dựng THQG.

Mục đích của chương trình THQG là giúp DN xây dựng thương hiệu. Song, Ban chỉ đạo chương trình lại đặt tiêu chí lựa chọn sản phẩm, hàng hoá trước khi gắn biểu trưng THQG. Chính sách như vậy có hợp lý, thưa ông?

Lựa chọn như thế chẳng qua là thừa nhận sản phẩm nào đó đảm bảo hệ tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm chứ chưa đủ để gọi là thương hiệu. Ngay cả khi đặt ra tiêu chí lựa chọn đó để gọi là THQG thì việc làm này của Nhà nước cũng là hỗ trợ toàn bộ các DN trong nền kinh tế chứ không phải cho một vài DN được lựa chọn.

Khi lựa chọn như vậy, một bộ phận DN bị loại ra, vô tình lại phân biệt đối xử, không tạo cơ hội bình đẳng cho toàn bộ DN, mâu thuẫn với chủ trương chung của Nhà nước là luôn đảm bảo cho mọi DN đều được hưởng lợi.

Nếu phải gắn cái gì đó gọi là “quốc gia” lên sản phẩm hàng hoá thì nên gắn cái gì, có thể là THQG được không, thưa ông?

Tôi cho rằng, THQG chỉ có thể có về mặt chỉ dẫn địa lý, ví như Phú Quốc. Được gọi là sản phẩm Phú Quốc thì phải có chất lượng tương đương “tính chất” Phú Quốc (đặc thù địa lý: đất, nước, khí hậu, công nghệ sản xuất…), và Phú Quốc đó phải là của Việt Nam chứ không phải của Thái Lan. Gắn chỉ dẫn địa lý lên sản phẩm như vậy là để khuếch trương giá trị sản phẩm, khẳng định giá trị của nó với người tiêu dùng trên thị trường, phục vụ cho kinh doanh tốt hơn.

Xét từ khía cạnh tổ chức, theo ông, Nhà nước có nên cung cấp dịch vụ, chương trình hỗ trợ trực tiếp cho DN kiểu như xây dựng THQG?

DN ở từng vùng có những nhu cầu hỗ trợ khác nhau. Cách hỗ trợ tốt nhất là xây dựng chương trình hỗ trợ dựa trên nhu cầu thực tế và thói quen tiếp thu cái mới của DN. Các cơ quan Nhà nước đừng nên biến mình thành người trực tiếp cung cấp dịch vụ, vì năng lực của các cơ quan Nhà nước (như chúng tôi) là rất hạn chế, trong khi nhu cầu của DN lớn, đa dạng và đáng nói là dịch vụ của cơ quan nhà nước là dịch vụ hành chính.

Nhà nước chỉ thúc đẩy hỗ trợ để thuê, huy động càng nhiều càng tốt các lực lượng tham gia hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu thực ra là cung cấp dịch vụ. Xuất phát từ DN đã có thương hiệu, năng lực xây dựng thương hiệu, Nhà nước chỉ hỗ trợ để DN tự quảng bá thương hiệu của họ mà thôi.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG