Tiến sĩ Trần Du Lịch – Viện trưởng Viện Kinh tế TP Hồ Chí Minh:

Không phải giảm thuế là giá giảm ngay

Không phải giảm thuế là giá giảm ngay
TP - Chính phủ vừa quyết định giảm thuế nhập khẩu 52 mã hàng, nhằm kìm chế sự tăng giá. Tuy nhiên, thực tế nhiều doanh nghiệp khẳng định, dù thuế giảm cũng khó giảm giá, hoặc có giảm cũng rất ít. Việc giảm thuế có phải là biện pháp tối ưu để kiềm hãm tăng giá và lạm phát?
Không phải giảm thuế là giá giảm ngay ảnh 1
Tiến sĩ Trần Du Lịch

Câu hỏi này đã được Tiền phong đặt ra với Tiến sĩ Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Kinh tế TP HCM Ông Lịch nói: Tình trạng tăng giá từ đầu năm đến nay do hai nhóm nguyên nhân.

Thứ nhất do tăng chi phí (chi phí đẩy) vì giá cả thị trường thế giới tăng tạo ra chi phí đầu vào tăng theo. Thứ hai do sức cầu kéo tăng, trong đó có việc lượng ngoại tệ vào Việt Nam rất lớn, NHNN phải mua ngoại tệ vào và đưa tiền đồng ra.

Phát triển kinh tế vừa qua tăng không tương ứng khiến không hấp thụ hết nguồn vốn. Các dự án đầu tư triển khai đều chậm, giải ngân cũng chậm... dẫn đến tổng cầu tăng.

Có nhiều biện pháp để kiểm soát giá

Việc giảm thuế có phải là biện pháp tối ưu để kéo giá cả hàng hoá giảm?

Biện pháp giảm thuế 52 mã hàng của Chính phủ chủ yếu nhằm tác động giảm chi phí đầu vào. Tuy nhiên muốn kiềm chế tăng giá và giảm lạm phát phải áp dụng đồng thời 4 nhóm giải pháp thật mạnh mẽ.

Ngoài nhóm giải pháp đầu tiên và rất cần thiết mà Bộ Tài chính đã làm thì Chính phủ cần bắt buộc những loại hàng hóa mang tính độc quyền doanh nghiệp như vật liệu xây dựng, xăng dầu, than, phân bón ...phải giảm giá hoặc ít  nhất là không được tăng giá.

Ôtô nhập khẩu đã giảm giá

Ngay sau khi thuế nhập khẩu ô tô giảm từ 80% xuống còn 70% được hải quan áp dụng từ ngày 8/8, nhiều nhà phân phối xe ô tô nhập khẩu đã công bố giá bán hạ so với trước thời điểm trên.

Euro Auto, nhà phân phối các sản phẩm BMW tại Việt Nam ngày 10/8 đã công bố mức giá mới. Theo đó, mỗi mẫu xe sẽ được giảm từ 2.000-3.000 USD. Giảm mạnh nhất là BMW 530i xuống 3.000 USD (từ 126.800 USD xuống còn 123.800 USD/ chiếc).

Hyundai Việt Nam (HMV) cũng quyết định giảm giá loại  Crossover Veracruz vừa ra mắt, với loại máy dầu hạ từ 75.000 USD xuống còn 72.900 USD, máy xăng giảm 1.500 USD, xuống 66.500 USD.

Nhà phân phối Trường Hải đang cân nhắc giảm giá hoặc tăng thêm phụ kiện cho xe kể từ tháng 12.

Bên cạnh đó cần chống triệt để tình trạng lợi dụng tăng giá để ghìm hàng, trữ hàng có tính đầu cơ, chờ giá lên với các chế tài, xử phạt nghiêm khắc.

Đẩy nhanh việc cải cách các thủ tục đầu tư, giải ngân đầu tư các dự án để hấp thụ lượng ngoại tệ nhằm giảm tổng cầu. Hiện hai nhóm giải pháp sau tôi thấy Chính phủ làm chưa quyết liệt. Và 4 nhóm giải pháp trên phải làm đồng bộ mới kìm được giá.

Thưa ông, có khá nhiều mặt hàng được giảm thuế như sữa chẳng hạn nhưng nhà sản xuất vẫn khẳng định khó giảm giá?

Nền kinh tế nào cũng có “độ trễ” nên đừng nghĩ giảm thuế ngày 8/8 thì ngày 9, 10/8 đã tác động giảm giá. Không phải cứ giảm thuế là giảm giá ngay tức khắc trong vài ngày được.

Có thể đến tháng sau hàng hóa mới giảm rõ rệt vì lúc đó doanh nghiệp nhập hàng về khi thuế đã giảm mới tung ra thị trường kịp và các biện pháp giảm giá có tác dụng.

Không nguy hiểm

Với đà lạm phát như vừa qua, liệu có ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế?

Xét ở khía cạnh kinh tế vĩ mô, theo tôi sự tăng giá trong điều kiện tăng trường kinh tế như hiện nay là không có gì đáng ngại. Tốc độ tăng giá thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế thì không có gì nguy hiểm.

Nhưng sự leo thang của giá cả vừa qua đã bị ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của những người làm công ăn lương, thu nhập trung bình thấp và đông đảo nhân dân. Với thu nhập của một bộ phận lớn nhân dân hiện nay thì tốc độ tăng giá 7 tháng đầu năm có thể làm cho cuộc sống của họ khó khăn thêm.

Nền kinh tế Việt Nam còn thiếu yếu tố nào để tăng trưởng bền vững?

Mục tiêu của kinh tế vĩ mô phải đảm bảo 4 yếu tố: Tăng GDP; không lạm phát hoặc lạm phát ở mức thấp; tăng việc làm; tăng xuất khẩu, không nhập siêu. Thời gian qua Việt Nam mới chỉ làm tốt ở hai khâu là tăng GDP và tạo thêm 780.000 chỗ làm mới trong 6 tháng đầu năm, nhưng lại đang lạm phát và nhập siêu.

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Quốc hội đã kiến nghị Chính phủ quan tâm đến 10 điểm trong 6 tháng cuối năm 2007. Trong đó Quốc hội lưu ý Chính phủ kiểm soát chặt chẽ giá cả để không ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Trong đợt tăng giá, lạm phát vừa qua có ý kiến cho rằng có nguyên nhân từ việc Ngân hàng Nhà nước đã chi ra nhiều tỷ USD để mua ngoại tệ?

Không thể đổ tội cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được vì lạm phát không chỉ có tiền tệ. Theo tôi việc NHNN mua nhiều  tỷ USD như vừa qua là một việc làm đúng.

NHNN phải mua vào để tăng dự trữ ngoại tệ, vì nếu không mua vào thì giá trị tiền đồng Việt Nam lên giá dẫn đến xuất khẩu khó khăn. Còn vốn đầu tư lớn không hấp thụ hết do thủ tục đầu tư nhiêu khê, tiến độ dự án chậm thì một mình NHNN không giải quyết được.

Xin cám ơn ông!

Hà Phan
Thực hiện

MỚI - NÓNG