Không sửa lỗi tiền polymer 10.000 trong các lần in sau

Không sửa lỗi tiền polymer 10.000 trong các lần in sau
Trong các lần in thêm tiền polymer mệnh giá 10.000 đồng, cũng sẽ không sửa lỗi này, bởi nếu sửa sẽ ảnh hưởng tới tính ổn định của đồng tiền, xảy ra tình trạng cùng một mẫu nhưng tờ này có dấu chấm cách, tờ kia không.

>> Có lỗi thiết kế trên tờ tiền polymer 10.000 đồng?

>> Vẫn lưu hành tờ polymer 10.000 đồng bình thường

Không sửa lỗi tiền polymer 10.000 trong các lần in sau ảnh 1

Ngay cả tờ rơi giới thiệu của Ngân hàng Nhà nước cũng bị lỗi. Ảnh: NHNN.

Trong mẫu thiết kế mặt trước tờ bạc, dãy số 10.000 ở góc trên bên phải có dấu chấm ngăn cách, nhưng khâu chế bản (làm phim để in) đã không ghép chi tiết này vào.

Sáng nay, Cục phó Cục Phát hành Kho quỹ (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Văn Toản thừa nhận sơ xuất này.

"Về mặt pháp lý, không có quy định bắt buộc mệnh giá trên đồng tiền phải có dấu chấm cách. Việc không thống nhất dấu chấm cách trên tờ tiền mười nghìn đồng mới phát hành (không có dấu chấm cách trong cụm số 10000 ở góc trên bên phải mặt trước tờ tiền) là do sơ suất trong quá trình chế bản.

Đây là chi tiết không làm ảnh hưởng đến tính pháp lý và các yếu tố bảo an, chất lượng đồng tiền trong lưu thông. Tuy vậy, Ngân hàng Nhà nước thấy rằng, cần rút kinh nghiệm qua việc để xảy ra sơ suất này", ông Toản nói.

Ông Toản khẳng định toàn bộ số tiền 10.000 polymer mà Ngân hàng Nhà nước mới phát hành vẫn có giá trị lưu thông bình thường. Trong các lần in thêm tiền polymer mệnh giá 10.000 đồng, cũng sẽ không sửa lỗi này, bởi nếu sửa lại lỗi sẽ ảnh hưởng tới tính ổn định của đồng tiền, xảy ra tình trạng cùng một mẫu nhưng tờ này có dấu chấm cách, tờ kia không.

Việc xem xét trách nhiệm cá nhân cũng như tập thể liên quan đến lỗi chế bản in đồng tiền, theo ông Toản, sẽ do các cấp có thẩm quyền quyết định và căn cứ trên mức độ ảnh hưởng của sơ xuất đó đến việc lưu thông đồng tiền.

Hiện Việt Nam đã làm chủ công nghệ in tiền polymer, từ khâu thiết kế, chế bản đến in ấn, lưu hành. Trước đây, có một số lượng nhỏ tiền polymer 50.000 đồng được in tại Australia để chuyển giao công nghệ.

Ông Trần Tiến, nguyên trưởng phòng Thiết kế mẫu tiền, Ngân hàng Nhà nước: "Đến khi báo chí đưa tin mới biết"

- Ông tham gia như thế nào vào quá trình sản xuất bộ tiền 10.000 đồng polymer?

- Hơn 30 năm trong nghề, tôi đã tham gia thiết kế nhiều mẫu tiền. Với loạt tiền polymer, tôi cũng là người phụ trách khâu thiết kế. Từ trước tới nay, việc thiết kế, phác thảo các mẫu tiền đều do phòng Thiết kế mẫu tiền của Ngân hàng Nhà nước đảm nhận.

- Lỗi ở đồng tiền polymer 10.000 được phát hiện từ bao giờ?

- Thực tế là khi báo chí đưa vấn đề này lên thì chúng tôi mới giật mình xem lại. Theo quy định, sau khi các mẫu tiền được Chính phủ phê duyệt, nhà máy in tiền quốc gia sẽ chế bản (đưa các chi tiết trong thiết kế lên phim để in). Trong thiết kế có chi tiết dấu chấm cách, song khi chuyển thành bản in, họ phải dỡ tung từng chi tiết một, lắp ghép lại thành bản in và đã không đưa dấu chấm vào.

Dĩ nhiên là trong quá trình thiết kế mẫu và chế bản in để trình thống đốc duyệt, đều do một bộ phận kỹ thuật giám sát. Và tôi phụ trách nhóm kỹ thuật đó.

Nhưng tôi cũng nói thật, không có quy định nào bắt buộc phải để dấu chấm sau ba số 0, các nước trên thế giới cũng vậy. Ngay bộ tiền cũ cotton của mình cũng không có dấu chấm đó. Với bộ tiền polymer vì mệnh giá lớn, có nhiều số 0, muốn để người dân dễ phân biệt mệnh giá nên thống nhất đưa dấu chấm vào.

- Lỗi ở khâu chế bản, song như ông nói còn có một bộ phận kỹ thuật giám sát. Tại sao không phát hiện được sơ xuất đó ngay từ khi có bản in thử?

- Đề một đồng tiền ra đời phải qua nhiều khâu kiểm tra nghiêm ngặt. Nhưng rõ ràng đây là sơ xuất nhỏ. Nó không ảnh hưởng tới vấn đề bảo an của đồng tiền, giá trị của đồng tiền (không gây hiểu nhầm thành mệnh giá khác). Chỉ có điều, thiếu sót đó khiến tính đồng bộ của bộ tiền polymer không được đảm bảo trọn vẹn. Quan điểm của tôi là đồng tiền đó vẫn đảm bảo đầy đủ các yếu tố trong lưu thông. Không có gì để phải thay đổi.

- Khâu chế bản in đã không tuân thủ nghiêm ngặt bản thiết kế đã được phê duyệt. Hơn nữa, đồng tiền là giá trị chuẩn mực quốc gia, nếu có vấn đề gì sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của nhân dân. Ông nghĩ sao?

- Chúng tôi cũng hiểu điều đó. Vì vậy, thông qua báo chí, chúng tôi muốn giải thích để bà con yên tâm, rằng lỗi đó không ảnh hưởng đến giá trị đồng tiền. Đồng tiền vẫn có giá trị lưu thông bình thường. Nó chỉ ảnh hưởng tới tính đồng bộ của bộ tiền polymer.

Theo Song Linh
Vnexpress

MỚI - NÓNG