Không thể bắt NTD dùng hàng kém chất lượng

Không thể bắt NTD dùng hàng kém chất lượng
TPO - Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu khẳng định như vậy tại cuộc giao lưu trực tuyến với chủ đề "Để tự hào hàng Việt" do cổng thông tin Chính phủ tổ chức sáng nay, 30/10.

>> Trực tuyến trên TPO : Làm gì để người Việt dùng hàng Việt?

Không thể bắt NTD dùng hàng kém chất lượng ảnh 1
Các vị khách mời tham gia cuộc giao lưu "Để tự hào hàng Việt". Ảnh : chinhphu.vn

Cần quan tâm đến người tiêu dùng

Trả lời cho câu hỏi, doanh nghiệp thấy mình yếu - thiếu những gì khi sản xuất cho người Việt Nam, thứ trưởng Bùi Xuân Khu khẳng định: "Doanh nghiệp muốn tồn tại, phát triển thì phải quan tâm tới người tiêu dùng, tới cách bán hàng. Chúng ta cần quan tâm hơn tới hậu mãi, thương hiệu phải củng cố, chất lượng, uy tín phải tăng cường. Đây là những điều doanh nghiệp còn yếu trong bối cảnh hội nhập. Các doanh nghiệp phải phấn đấu cật lực, bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn là quyết định".

Khách mời giao lưu trực tuyến :

Ông Bùi Xuân Khu, Thứ trưởng Bộ Công Thương;  Ông Võ Văn Quyền – Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước Bộ Công Thương; Ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính;  TS. Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam;  Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam; - Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May 10; Ông Đặng Lê Nguyên Vũ – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Trung Nguyên, Ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái…

Trong cuộc giao lưu, ông Bùi Xuân Khu cũng nhiều lần khẳng định, bên cạnh sự ủng hộ của người tiêu dùng, thì doanh nghiệp phải quan tâm đến chất lượng hàng hóa, không thể bắt người tiêu dùng dùng hàng kém chất lượng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May 10 cho rằng, nếu doanh nghiệp lấy cốt lõi chất lượng, quan tâm đến người tiêu dùng từ thiết kế đến dịch vụ thì dần dần người tiêu dùng cũng sẽ nhận ra. Trước tiên doanh nghiệp cần phải tự củng cố và chứng minh cho người tiêu dùng biết giá trị thật do mình mang lại. Còn nếu cứ vận động mà mang lại chất lượng giả thì cuộc vận động sẽ thành vô nghĩa.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Trung Nguyên góp ý: Doanh nghiệp cần phải lưu ý hệ thống phân phối, nếu tất cả hệ thống phân phối do nước ngoài kiểm soát thì “ cái gì nằm trên kệ thì sống, còn rơi khỏi kệ sẽ bị triệt tiêu”. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài hùng mạnh là nhờ có những trung tâm nghiên cứu tâm sinh lý của người tiêu dùng.

Khi trả lời câu hỏi làm cách nào để thay đổi tâm lý sính hàng ngoại của người tiêu dùng Việt Nam, Bà Huyền cho rằng: Doanh nghiệp không được trách người tiêu dùng vì họ có quyền chọn sản phẩm tốt và giá hợp lý nhất, chứ không chỉ giá rẻ nhất. Đấy là trách nhiệm của doanh nghiệp!

TS. Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cũng nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp: "Tôi nghĩ để thay đổi tâm lý người tiêu dùng, phải nhìn từ hai góc độ:

Thứ nhất, từ phía cơ quan truyền thông cũng như các hội, ngành, tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ…, cần đưa ý thức dùng hàng Việt vào trong nhà trường để tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, sinh viên tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc bằng những hành động cụ thể, đóng góp cho sự phát triển đất nước.

Thứ hai, về doanh nghiệp, cũng phải thể hiện vai trò của mình như cam kết nâng cao chất lượng sản phẩm, có chương trình khuyến mại tốt và làm cho người tiêu dùng tin cậy.  Bên cạnh đó phải tăng cường có hiệu lực các biện pháp chống hàng giả, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng để nâng cao niềm tin vào hàng Việt Nam. Các doanh nghiệp cần phải chứng minh bằng những việc làm cụ thể trong thời gian tới"

Chất lượng ngoại, giá nội có là bài toán quá khó ?

Câu hỏi này do bạn đọc Hồ Lê Nam - Hà Nội đặt ra: Gần đây, hàng Việt Nam chất lượng cao được nhiều người tiêu dùng chọn lựa nhưng chủ yếu vẫn là những người tiêu dùng ở tầng lớp trung lưu vì giá cả của loại hàng này vẫn quá cao so với thu nhập của đa số người lao động? Chất lượng ngoại, giá nội có phải là bài toán quá khó không?

TS. Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam trả lời: Thứ nhất, tôi cho rằng thị trường phân khúc là đúng, không có doanh nghiệp nào đáp ứng mọi nhu cầu của con người được. Doanh nghiệp có thể đáp ứng thị trường bậc cao, bậc trung, như vậy kinh tế thị trường mới đáp ứng nhiều nhu cầu đa dạng.

Thứ hai là vẫn có thể chấp nhận chất lượng ngoại giá nội được khi doanh nghiệp đạt được hiệu quả kinh tế theo quy mô tức là số lượng người tiêu dùng tăng lên nhất định thì cùng chi phí cố định trên lượng sản phẩm sẽ giảm, khi đó giá thành hạ. Cho nên trả lời câu hỏi giá nội chất lượng ngoại phụ thuộc vào người tiêu dùng chứ không chỉ phụ thuộc vào doanh nghiệp. Tôi đề nghị người tiêu dùng ủng hộ doanh nghiệp thì mới có chuyện chất lượng ngoại giá nội.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu thì cho rằng chuyện chất lượng ngoại giá nội là bài toán khó nhưng không phải không có lời giải. "Hiện nay chúng ta có nhiều mặt hàng tốt hơn hàng ngoại. Một khảo sát gần đây cho thấy lưu học sinh về nước cho biết rất nhiều mặt hàng Việt Nam chất lượng ngoại giá nội được thanh niên yêu thích. Đây là thông điệp để các bạn trẻ có cái nhìn công bằng với hàng nội của chúng ta." - Ông Khu cho biết.

Thứ trưởng Bộ Công thương Bùi Xuân Khu:

Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam là chủ trương, cuộc vận động lớn của Đảng và Nhà nước... Ở các nước có nền  kinh tế phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, họ cũng có cuộc vận động ưu tiên dùng hàng nội địa.

Cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt có ý nghĩa sâu sắc, được triển khai lâu dài và bền bỉ để cổ vũ chúng ta yêu chuộng, tôn vinh hàng Việt Nam, đồng thời khích lệ doanh nghiệp sản xuất tốt hơn, chất lượng cao hơn, khả năng cạnh tranh mạnh hơn, thương hiệu được người tiêu dùng mến mộ hơn. Sản xuất hàng hóa cho người Việt Nam dùng và tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu.

Cuộc vận động còn thức tỉnh ý thức trách nhiệm, tự tôn dân tộc, tự lực tự cường của mỗi người Việt chúng ta.

Nếu làm tốt, mỗi người, mỗi gia đình, đơn vị đều quan tâm đến hàng Việt thì cuộc vận động này đem lại kết quả to lớn cho đất nước, cộng đồng doanh nghiệp và bản thân người tiêu dùng.

Trong thời điểm kinh tế suy thoái và khủng hoảng toàn cầu thì cuộc vận động càng có ý nghĩa lớn hơn.

P.V 
Tổng hợp từ Chinhphu.vn

MỚI - NÓNG