Không thể giữ được lạm phát 6,5%!

Không thể giữ được lạm phát 6,5%!
Thứ trưởng Tài chính Trần Văn Tá thừa nhận, với biến động xăng dầu như hiện nay thì mục tiêu kiềm chế lạm phát ở con số 6,5% là không thể được.
Không thể giữ được lạm phát 6,5%! ảnh 1
Đã có hiện tượng đầu cơ xăng dầu

Bởi, theo ông Tá, khi Quốc hội thông qua chỉ tiêu 6,5%, giá dầu thô trên thế giới đang đứng ở mức 50 - 55 USD/thùng. Nhưng hiện nay, giá dầu đã vượt  ngoài tầm dự đoán của các nhà quản lý (dự đoán 55 - 60 USD/thùng). Việc không giữ được chỉ số CPI như mục tiêu Quốc hội đặt ra là bất khả kháng.

Chỉ số trượt giá CPI sẽ cao

Thứ trưởng Tá cho rằng, chưa thể tính toán được ngay giá xăng dầu sẽ tác động đến chỉ số giá và chỉ số tăng trưởng của nền kinh tế cụ thể là bao nhiêu, nhưng có thể nhìn thấy ngay các ngành kinh tế quan trọng bị ảnh hưởng là than, xi măng, vận tải...

Tổ điều hành giá cả của Chính phủ cũng cho biết, nhóm mặt hàng lương thực đang tiềm ẩn yếu tố tăng giá nhiều nhất. Sau khi Chính phủ có chủ trương không hạn chế xuất khẩu gạo ở mức 3,8 triệu tấn, giá lúa gạo đã có xu hướng nhích lên.

Do tin trúng thầu hơn 100.000 tấn gạo sang Philippines và sắp tới sẽ đấu thầu gạo sang Hàn Quốc, Iraq... khiến nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua, làm cho giá lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng lên.

Nguồn thuỷ cầm chưa khôi phục lại sau dịch cúm cùng với giá cước vận chuyển tăng nên giá nhiều loại thực phẩm sẽ tăng theo. Giá hải sản cũng được dự báo tăng do giá dầu cao làm tăng chi phí đánh bắt xa bờ...

Tuy nhiên, giá các mặt hàng quan trọng như sắt thép, xi măng, phân bón... lại được dự báo sẽ giữ ổn định như mức giá của tháng 7/2005.

Theo ông Nguyễn Tiến Thoả - Cục phó Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) - bên cạnh những tác động bất lợi từ bên ngoài, mặt bằng giá trong nước cũng đang phải chịu sức ép ngay từ nội tại của nền kinh tế do khả năng cạnh tranh hàng hoá, dịch vụ của các doanh nghiệp chưa cao.

"Chỉ số CPI chắc chắn sẽ cao hơn mức kế hoạch 6,5%. Nhưng nếu biến động của chỉ số giá thấp hơn mức tăng trưởng kinh tế thì là chấp nhận được và không ảnh hưởng đến cân đối vĩ mô" - Ông Tá nhận định.

Nên tính lại

Thứ trưởng Tá cho rằng, việc biến động giá xăng dầu, giá lương thực - thực phẩm cũng cảnh báo cần phải có cách tính toán lại chỉ số giá cho phù hợp với cơ chế thị trường.

Bởi, giá cả là một yếu tố rất quan trọng của nền kinh tế vĩ mô. Giá cả biến động bất thường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế và đe doạ phá vỡ cân đối vĩ mô.

Cách tính chỉ số CPI của Việt Nam hiện nay vẫn bị chi phối bởi chỉ số giá của nhóm hàng lương thực - thực phẩm (chiếm tới 40% trong rổ hàng hoá), không phản ánh đúng thực chất nền kinh tế.

Việt Nam đang thực hiện thả nổi dần các loại giá. Hầu hết các giá hàng hoá đều đã được vận hành theo tín hiệu thị trường.

Thứ trưởng Tá cho biết, thời gian tới, để phù hợp với xu hướng mới, vận hành theo cơ chế thị trường, cách tính chỉ số CPI sẽ được cải tiến. Thế nhưng, dù vận hành theo nền kinh tế thị trường, nhưng quan điểm chung sẽ vẫn phải là giữ ổn định mặt bằng giá.

MỚI - NÓNG