Không thể tiếp tục dựa vào lợi thế giá rẻ

Không thể tiếp tục dựa vào lợi thế giá rẻ
TP - Tiếp tục cải tiến việc cấp phép đầu tư, nâng cao chất lượng lực lượng lao động, tăng giá điện đồng thời chấm dứt các gánh nặng hành chính… là những khuyến nghị được các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam khuyến nghị với Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam vào năm tới.

Tại buổi công bố Sách Trắng 2011 về các vấn đề thương mại, đầu tư và kiến nghị ngày 25-11, ông Alan Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nói Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong cải thiện khuôn khổ pháp lý, cấp phép, cơ sở hạ tầng... Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn bị khó khăn trong việc xin cấp phép các dự án đầu tư và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

“Các nhà đầu tư phải đợi tới 6 tháng để có giấy phép đầu tư ở Việt Nam trong khi các nước cùng khu vực chỉ mất 5 hoặc 6 tuần. Chúng tôi kiến nghị Việt Nam chuyển sang mô hình phê duyệt một cửa. Làm sao chỉ cần đến một cơ quan là có thể thực hiện được việc cấp giấy phép thay vì phải đi qua 3 – 4 nơi. Tại nhiều nước ASEAN, mô hình này tỏ ra rất hiệu quả. Thời gian là tiền bạc. Nhà đầu tư mất thời gian đồng nghĩa với mất tiền”- Ông nói.

Theo EuroCham, giá điện của Việt Nam hiện khá rẻ so với thế giới và khu vực. “Giá điện hiện nay ở mức 1.058 đồng/kWh (tương đương 5,4 cent/kWh) là quá thấp để thu hút đầu tư vào ngành điện. Vì vậy để nhà đầu tư có lãi, giá điện phải tăng ít nhất 50% so với giá hiện tại. Việc trợ giá, nếu có, chỉ áp dụng cho người nghèo và những người được hưởng chính sách đặc biệt” - Đại diện EuroCham nói.

Đối với các nhà máy điện sử dụng than nhập khẩu, các nhà đầu tư đề nghị cho phép bán điện với mức giá cao hơn.

Giám đốc điều hành EuroCham, tiến sĩ Matthias Duhn cho rằng Việt Nam không thể mong đợi các lợi thế cạnh tranh hiện tại kéo dài mãi, do mức tăng tiền lương, sự hạn chế nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn vốn ODA sẽ giảm.

“Dự kiến Việt Nam cần khoảng 70 – 80 tỷ USD để đầu tư vào đường bộ, đường sắt và cảng biển trong 5 – 10 năm tới và hơn 120 tỷ USD cho phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng. Đây sẽ là một trong những nhiệm vụ chính của Việt Nam để đạt được sức cạnh tranh khu vực và hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam không thể dựa mãi vào lợi thế giá rẻ để cạnh tranh”- ông nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.